(ĐN) - Nghị định số 141/2017/NÐ-CP "Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động" có hiệu lực thi hành từ 25-1- 2018 thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lên 180.000 - 230.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng so với năm 2017.
(ĐN) - Nghị định số 141/2017/NÐ-CP “Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động” có hiệu lực thi hành từ 25-1- 2018, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lên 180.000 - 230.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng so với năm 2017.
Các công nhân của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đang trong giờ sản xuất. (ảnh TL) |
Cụ thể: vùng 1 tăng 230.000 đồng/tháng (lên mức 3.980.000 đồng/tháng); vùng 2 tăng 210.000 đồng/tháng (lên mức 3.530.000 đồng/tháng); vùng 3 tăng 190.000 đồng/tháng (lên mức 3.090.000 đồng/tháng); vùng 4 tăng 180.000 đồng/tháng (lên mức 2.760.000 đồng/tháng).
Doanh nghiệp căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, công đoàn cơ sở cần chủ động khuyến cáo người sử dụng lao động sớm khắc phục, sửa đổi; đồng thời điều chỉnh mức tiền đóng các khoản bảo hiểm; mức tính tiền làm thêm giờ cho người lao động theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp (Khoản 3, Ðiều 5, Nghị định 141).
Khi sửa đổi, bổ sung nội dung thang, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở (đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp) và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước lúc thực hiện.
Kim Liễu