Bạn đọc

Các trường học chưa đáp ứng hoạt động tư vấn tâm lý học đường

Thông tư số 31/2017/TT-GDĐT của Bộ GD-ĐT quy định từ ngày 2-2-2018, mỗi trường phổ thông phải tổ chức hoạt động, xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, đến nay nhiều trường đang lúng túng thực hiện.

Niềm vui trong học tập cũng là động lực giúp học sinh bớt căng thẳng (ảnh minh họa). Ảnh: P.liễu
Niềm vui trong học tập cũng là động lực giúp học sinh bớt căng thẳng (ảnh minh họa). Ảnh: P.liễu

Theo đánh giá của ngành giáo dục, hoạt động tư vấn tâm lý học đường rất cần thiết, song hầu như chưa có trường phổ thông nào đáp ứng được nhu cầu này.

* Tâm lý học sinh phức tạp

Đó là nhận định của không ít nhà tâm lý giáo dục, đồng thời còn là lời than thở của nhiều phụ huynh về thế hệ học sinh thời nay. Nhiều học sinh phản ứng tiêu cực là do căng thẳng trong học tập, áp lực từ phía gia đình, những ức chế tâm lý, thất vọng khi không đạt được điều mong muốn…


Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, qua khảo sát tại một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, 3 khó khăn khiến hoạt động tư vấn tâm lý học đường lâu nay bị hạn chế: thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý; thiếu cơ sở vật chất và thiếu kinh phí hoạt động.

Bà Đặng Lan Hương, cựu giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, người từng được đào tạo về bộ môn Tâm lý giáo dục tại Nga, cho rằng ở độ tuổi học phổ thông, nhiều em có những thay đổi về tâm - sinh lý khá nhanh. Ngoài ra, đa số học sinh đang trong quá trình hình thành, phát triển và định hình về nhân cách. Từ chỗ phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng phần lớn các em chưa đủ sâu sắc để phân định đúng - sai nên nhiều trường hợp có những phản ứng bất thường. Với sự phức tạp ấy, nếu các em không được chia sẻ, giải thích kịp thời những bức xúc, thắc mắc sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, thể hiện bạo lực học đường, thậm chí tự hủy hoại bản thân. Còn nếu được các chuyên gia kịp thời tư vấn, định hướng thì các em sẽ hiểu ra vấn đề và hành động đúng.

Công tác tư vấn học đường không phải là vấn đề mới trong hệ thống giáo dục nước ta. Song, phải thừa nhận một điều là hoạt động này trong các trường phổ thông còn rất hạn chế. Qua tìm hiểu, được biết các trường phổ thông ở Đồng Nai mới chỉ có tổ tư vấn, chưa cơ sở nào hình thành được phòng tư vấn tâm lý học sinh đúng chuẩn để từ đó có các hoạt động, chương trình về tư vấn tâm lý học đường một cách bài bản. Thời gian qua, hầu như hoạt động tư vấn cho học sinh chỉ mới dừng lại ở những buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề dưới cờ về sức khỏe sinh sản, tình bạn, tình yêu, kỹ năng giao tiếp ứng  xử… cùng một số chuyên đề khác, như: an toàn giao thông, phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội. Đây chính là những hạn chế trong việc giáo dục tâm lý học sinh một cách bài bản, đúng mục tiêu.

* Thiếu điều kiện tổ chức hoạt động

Qua trao đổi, nhiều giáo viên khẳng định hoạt động tư vấn tâm lý học đường là rất cần thiết, tuy nhiên từ chủ trương đến hiện thực còn cả một khoảng trống lớn.

Ông Phạm Tiến Chương, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa), cho biết thành lập một phòng tư vấn tâm lý cũng như trang bị kỹ năng sống cho các em là vấn đề trường hướng tới. Tuy nhiên, rất khó thực hiện khi chương trình học dày đặc, giáo viên chủ nhiệm quá bận rộn, mời chuyên gia tư vấn cũng không hề dễ... Vì vậy, hiện trường mới chỉ có hộp thư tiếp nhận thông tin phản ảnh, nhưng các em thường có cách giải quyết của riêng mình, rất ít chia sẻ qua hộp thư.

Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT tại 4 tỉnh, thành: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương và Khánh Hòa cho thấy có trên 90% học sinh đang gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý, trong đó đối tượng học sinh THPT cần được tư vấn và can thiệp nhiều nhất. Cũng từ kết quả khảo sát đối với 1 ngàn học sinh THCS ở TP.Hồ Chí Minh, có 84,3% học sinh có dấu hiệu mệt mỏi, chán nản, trong khi hơn 41% học sinh thường suy nghĩ bi quan về cuộc sống, cá biệt có em từng nghĩ đến chuyện hủy hoại bản thân mình...

Trong khi đó, trao đổi về những nội dung liên quan đến hoạt động tâm lý học đường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch thừa nhận đội ngũ chuyên trách lĩnh vực này trong và ngoài ngành không nhiều, khó tuyển. Vì thế, các trường thường giao việc tư vấn cho giáo viên dạy giáo dục công dân hoặc người có thâm niên nghề cao kiêm nhiệm. Song, kỹ năng tổ chức tâm lý học đường muốn đạt mục đích phải được đào tạo kiến thức chuyên môn. Do đó, thời gian qua các trường phổ thông khi triển khai sinh hoạt tư vấn cho học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kế đến là cơ sở vật chất nhiều trường hạn chế, không đủ phòng ngoại khóa nên yêu cầu phải bố trí một phòng tư vấn đúng chuẩn: sạch đẹp, kín đáo, ấm cúng là rất khó khăn. Ngoài ra, kinh phí hoạt động cũng là một vấn đề mà không phải trường nào cũng có thể lo được.

Theo ông Thạch, để thực hiện chủ trương tư vấn tâm lý học đường, cần phải có thời gian. Trước mắt, sở sẽ lên kế hoạch xây dựng nội dung, hình thức tư vấn, phối hợp với các cơ quan liên quan, kết nối với đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nội dung tập trung về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng, ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và tổ chức can thiệp; giới thiệu, hỗ trợ phụ huynh đưa học sinh bị rối loạn tâm lý đến các cơ sở y tế điều trị. Những chuyên đề này sẽ được giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, dưới cờ. Đồng thời thiết lập các kênh thông tin để trao đổi với phụ huynh, tổ chức tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của trường, mạng xã hội, e-mail… Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Trường đại học Đồng Nai, Bệnh viện tâm thần trung ương 2… nhằm trang bị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn cho cán bộ, đội ngũ giáo viên làm công tác này trong nhà trường.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,229       467