UBND tỉnh vừa ban hành các quyết định chỉ đạo ngưng việc khai thác nước dưới mặt đất (gọi chung là nước ngầm) đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai...
heo đó, từ ngày 31-12-2017 có 21 đơn vị đang sử dụng nước ngầm nằm trong khu vực đã lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt tập trung thì không được khai thác tiếp…
Hệ thống khai thác nước ngầm để phục vụ cho các doanh nghiệp dệt nhuộm tại Công ty cổ phần đầu tư Vinatex - Tân Tạo, đóng chân ở huyện Nhơn Trạch. Ảnh: G.Khánh |
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai và Công ty cổ phần cấp nước Hồ Cầu Mới có kế hoạch đầu tư cấp nước được khai thác từ nguồn nước mặt cho địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
* Hệ thống cấp nước sạch dồi dào
Báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 384 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước dưới mặt đất do UBND tỉnh cấp và 4 giấy phép do Bộ TN-MT cấp. Thời gian qua, nhiều nơi khai thác nước ngầm có dấu hiệu vượt quá trữ lượng. Chẳng hạn, tại huyện Nhơn Trạch có hơn 37 ngàn công trình khai thác nguồn nước ngầm với trên 102 ngàn m3/ngày đêm, vượt trữ lượng an toàn là 14.650m3/ngày đêm.
Nhận định về lĩnh vực nước ngầm, TS.Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ TN-MT), cho rằng ở những nơi có nền địa chất tương đối tốt như Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung, nếu nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún, nứt mặt đất cục bộ. Cùng quan điểm, TS.Lê Xuân Thuyên, Trường đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), lo ngại khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún mặt đất là vấn đề của nhiều quốc gia hiện nay. Nhưng chi phí chung để tiến hành kiểm soát an toàn cho lĩnh vực này là những con số khổng lồ. |
Điều nghịch lý hiện nay là ở huyện Nhơn Trạch cũng như các địa phương khác có mạng lưới cấp nước sinh hoạt gần như phủ khắp nơi.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác trữ lượng 11.500m3/ngày đêm với 18 giếng đến năm 2021 mới dừng; Công ty cổ phần cấp nước Nhơn Trạch được Bộ TN-MT cấp phép (đã hết hạn từ năm 2009) và UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép tiếp đến năm 2019 khai thác trữ lượng 20 ngàn m3/ngày đêm với 19 giếng; Công ty cổ phần đầu tư Vinatex - Tân Tạo được UBND tỉnh cấp phép khai thác 2,8 ngàn m3/ngày đêm, sử dụng 10 giếng đến năm 2021...
Trao đổi về vấn đề phải ngưng khai thác nước ngầm ngay từ đầu năm 2018, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Vinatex - Tân Tạo cho biết, năm 2016 doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để khoan giếng, đồng thời xây dựng đường ống để khai thác nước ngầm nhằm cung cấp cho những công ty dệt nhuộm đến thuê đất.
“Do nước thô rẻ hơn 1/3 lần so với giá nước máy Nhà nước quy định hơn 11 ngàn đồng/m3 nên nhiều công ty dệt nhuộm đến đây đầu tư đều muốn sử dụng nguồn nước của chúng tôi. Làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi cam kết bảo đảm nguồn nước thô cho họ sử dụng. Và họ cũng đã tiến hành xây dựng bể chứa, hệ thống ống dẫn, máy bơm... Nay UBND tỉnh buộc trám lấp giếng ngầm nên chúng tôi chưa biết tính sao. Trường hợp doanh nghiệp dệt may kiện do vi phạm hợp đồng, chúng tôi không biết kiện lại ai đây?” - vị đại diện này than.
* Không cấp phép khai thác nước ngầm
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, do trước đây hệ thống cấp nước sinh hoạt còn hạn chế nên để phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT đã cấp phép cho nhiều đơn vị khai thác nước ngầm.
Thế nhưng, việc khai thác quá đà thời gian qua dẫn đến chỗ nguồn nước dưới lòng đất sẽ cạn kiệt không thể tái tạo ngay, kéo theo tình trạng sụt lún đất làm địa hình thay đổi. Bên cạnh đó còn gây ra nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Cùng nhận định như trên, một số chuyên gia địa chất cho biết việc khai thác vượt ngưỡng an toàn làm cho nước ngầm không bổ sung kịp sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ngọt trong lòng đất.
“Hệ lụy của tình trạng này thường xảy ra trong vài chục năm sau nên những tác động hiện nay khó nhìn thấy và đo đếm hết. Hơn nữa, Đồng Nai nằm trong hệ thống sông Đồng Nai nên nguồn nước ngọt rất dồi dào không chỉ cung cấp cho nội tỉnh mà còn cả TP.Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, việc khai thác nước ngầm để phục vụ cho sản xuất công nghiệp là không hợp lý và cần được ngăn chặn kịp thời nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá dưới đất. Điều đáng lo ngại là giấy phép khai thác nước ngầm do Bộ TN-MT cấp đều là những giếng có công suất lớn nên mức độ tiềm ẩn nguy cơ về những hệ lụy sau này càng cao” - TS.Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhấn mạnh.
Trao đổi về kế hoạch ngưng khai thác nước ngầm như chỉ đạo của UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Nguyễn Ngọc Hưng cho biết để bảo vệ nguồn nước ngầm, UBND tỉnh đã quy hoạch những vùng được khai thác và cấm khai thác. Ở vùng cấm khai thác, sau khi đã lắp đặt hệ thống nước máy, bắt buộc phải đóng cửa các giếng nước ngầm. Riêng đối với những giấy phép do Bộ TN-MT cấp, sở cũng đã có văn bản kiến nghị xem xét rút giấy phép, không chờ hết hạn khai thác.
Theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai và Công ty cổ phần cấp nước Hồ Cầu Mới, hiện nay trữ lượng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt 105 ngàn m3/ngày đêm, nhưng chưa sử dụng hết công suất. Do vậy, 2 công ty này cam kết sẽ cung cấp đủ sản lượng nước cho các doanh nghiệp tại Long Thành và Nhơn Trạch để thay thế giếng ngầm đang khai thác trên 70 ngàn m3/ngày đêm. |
Tuấn Hoàng