Bạn đọc

Cảnh giác hàng giá rẻ trong dịp tết

Đúng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên thị trường khắp nơi bắt đầu sôi động. Một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh đã chuẩn bị nhiều loại hàng hóa để bán tết…

Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai.
Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai.

Đúng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên thị trường khắp nơi bắt đầu sôi động. Một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh đã chuẩn bị nhiều loại hàng hóa để bán tết…

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về thị trường dịp tết, ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua sắm.

Thưa ông, tết là thời điểm hàng hóa được ồ ạt tung ra thị trường, trong đó có những mặt hàng không rõ xuất xứ, hàng giả cũng xuất hiện gây lo ngại cho người tiêu dùng. Ngành đã có biện pháp gì chấn chỉnh? 

- Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng hàng trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường trong dịp tết năm nay, cơ quan chức năng đang mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh buôn bán tại các địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, gian lận trong đo lường, như: vật liệu nổ, pháo, thực phẩm, rượu bia, mỹ phẩm, bánh kẹo… ra thị trường. Đồng thời, chúng tôi tiến hành đẩy mạnh kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa đông lạnh, tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý nếu phát hiện các hành vi găm hàng, tăng giá hoặc vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa.

 Người dùng lo ngại nhất là thực phẩm kém chất lượng. Ngành quản lý thị trường kiểm soát mặt hàng này ra sao?

- Những mặt hàng kể trên hiện đang nằm trong danh sách phải tăng cường kiểm tra rất nghiêm trong thời gian này. Ví dụ, đối với giò chả, chúng tôi phải kiểm tra từ các cơ sở sản xuất về giấy phép hoạt động, khi đưa ra thị trường phải có đủ nhãn mác, xuất xứ… nhằm hạn chế thấp nhất những mặt hàng không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm khô cũng yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về nhãn mác, xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng để người dân nắm rõ thông tin về sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều đối tượng làm ăn phi pháp, bất chấp quy định của Nhà nước nên lén lút sản xuất các loại hàng không bảo đảm chất lượng, nhất là vào các dịp lễ, tết. Những sản phẩm này thường có mức giá thấp hơn giá thị trường khá nhiều. Chính vì vậy, người tiêu dùng thấy giá rẻ liền mua mà không quan tâm về chất lượng sản phẩm cũng như sự nguy hại đến sức khỏe khi sử dụng các loại thực phẩm dạng này. Do đó, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt vào những ngày tết sắp tới, khi mua sản phẩm người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà quên tìm hiểu rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

 Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thực phẩm tươi sống như thịt, cá và kể cả các loại thức ăn nhanh, ông có cảnh báo gì để người dân nhận biết đâu là mặt hàng kém chất lượng?

Đội Quản lý thị trường số 2 TP.Biên Hòa kiểm tra một điểm kinh doanh túi xách trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). (ảnh minh họa)
Đội Quản lý thị trường số 2 TP.Biên Hòa kiểm tra một điểm kinh doanh túi xách trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). (ảnh minh họa)

- Đối với những mặt hàng thịt tươi sống, như: bò, heo, gà là những loại phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y trong quá trình giết mổ. Sản phẩm này khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều có đóng dấu kiểm soát thú y mới là hàng kết luận đã kiểm định. Do đó, khi chọn mua thực phẩm tươi sống người tiêu dùng nên đến những quầy hàng đủ điều kiện bảo quản, đảm bảo vệ sinh ATTP; tuyệt đối không nên mua tại quầy hàng rong bày bán ở chợ tự phát, hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh cũng như không rõ xuất xứ. Đặc biệt, các loại thịt nếu không đóng dấu kiểm định thì dứt khoát không mua về sử dụng, kể cả khi đã chế biến thành thức ăn, bởi phần lớn là heo, bò bệnh hoặc đã chết.

Khi sử dụng các loại thức ăn nhanh, thức ăn đã chế biến sẵn thì cần chú ý đến những cơ sở kinh doanh hoạt động có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP với nguyên liệu, thực phẩm làm ra thức ăn phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc.

 Ông có nghĩ rằng, lâu nay mức xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực làm hàng gian, hàng giả chưa đủ mạnh nên tình trạng hàng trôi nổi vẫn tràn lan trên thị trường?

- Hiện nay, những vi phạm trong kinh doanh hàng hóa, như: hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả hoặc những vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá… đều có những quy định xử lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, mức độ xử phạt vi phạm ra sao còn tùy thuộc vào hành vi vi phạm được xác định cụ thể để qua đó làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định.

Trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã xử lý và chuyển 4 vụ vi phạm các quy định về kinh doanh để điều tra trong lĩnh vực hàng giả, hàng cấm và sở hữu trí tuệ. Tùy theo tình tiết vụ việc, có những vụ chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn có thể chỉ xử lý hành chính với số tiền vài chục triệu đồng. Có không ít vụ vi phạm dù giá trị hàng hóa không cao nhưng gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng thì sẽ bị xem xét về mặt hình sự.

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai Huỳnh Kim Hóa, để phát hiện 1 cơ sở sản xuất trái phép, vi phạm các quy định về thương mại là vấn đề không đơn giản. Nguyên do là địa bàn của tỉnh rộng, lực lượng chức năng còn mỏng. Vì vậy, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đề nghị người dân khi phát hiện những trường hợp kinh doanh, sản xuất hàng hóa có dấu hiệu không lành mạnh thì báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đối với hàng có nhãn mác nước ngoài, yêu cầu phải có phụ đề tiếng Việt ghi rõ thông tin sản phẩm, tên nước sản xuất, thành phần, hạn sử dụng… Nếu không có những thông tin trên thì đó là hàng nhập lậu trái phép bị cấm lưu thông trên thị trường.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,824       483