Hàng trăm hộ dân ở ấp Tam Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Bởi trước đây người dân ở khu vực này thường sử dụng nước ngầm, nhưng gần đây nguồn nước này bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng trong ăn uống...
Hệ thống lọc nước của hộ ông Dương Văn Tiến, ngụ tổ 1, ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa. |
Trước thực trạng trên, các hộ dân nơi đây phải vất vả lọc nước mấy lần mới dám sử dụng hoặc mua nước bình để nấu ăn, còn nước sông, nước giếng chỉ để tắm giặt.
* Nước ngầm bị ô nhiễm
Dù nước bị nhiễm phèn nhưng nhiều hộ dân ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa vẫn phải sử dụng nấu ăn hàng ngày. |
Nhà ông Dương Văn Tiến (ngụ tổ 1, ấp Tam Hòa) có giếng đào sử dụng hàng chục năm qua. Khoảng 2 năm nay, nguồn nước không còn sạch như trước mà bị nổi váng đục. Muốn nước trong hơn, ông Tiến phải lọc qua 2-3 lần nhưng gia đình rất hạn chế sử dụng, vì ngay cả khi đun sôi nước vẫn bị nổi váng vàng.
Còn hộ bà Nguyễn Thị Xứ (ở tổ 2, ấp Tam Hòa) thuê thợ đến khoan giếng mới sâu 40m mong có nguồn nước sạch. Tuy nhiên, dù đã nấu chín song chất lượng nước cũng không khác gì mấy so với nước giếng cũ. Theo bà Xứ, ngay cả các vật dụng chứa nước như thau, chậu nhôm cũng bị bám vàng, hoen ố, ngả màu sau một thời gian sử dụng.
Để có nước sạch, nhiều hộ dân ở khu vực xây bể chứa than, đá lọc nước, sau đó đưa vào lọc đến khi nước thật trong mới dám sử dụng. Còn những gia đình nghèo không đủ điều kiện mua máy lọc nước, hàng ngày vẫn phải dùng nước giếng, nước sông. Riêng việc nấu ăn, bà con chủ yếu trữ nước mưa xài dần, đến khi hết thì mua nước bình. “Chúng tôi không biết sử dụng nước nhiễm phèn lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, nhưng dù rất lo chúng tôi cũng không còn cách nào khác đành cứ phải xài đại. Ngay cả sử dụng nước để tắm rửa, nhiều lúc thấy ngứa ngáy, da mẩn đỏ, người lớn còn cố chịu được chứ trẻ em thì rất tội nghiệp vì bọn trẻ gãi đến đôi khi chảy máu. Chúng tôi chỉ mong đơn vị chức năng sớm lắp đặt đường nước sạch để người dân ổn định cuộc sống” - ông Trịnh Đình Trưởng, Tổ trưởng tổ 1, kiến nghị.
Nói về tình trạng nước ngầm bị nhiễm phèn, ông Huỳnh Thanh Điền, Trưởng ấp Tam Hòa, cho biết từ trước đến nay nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu là nước giếng và nước sông Đồng Nai. Bỗng dưng hơn 1 năm nay các giếng đều nổi váng và có màu đục do bị nhiễm phèn nặng. Còn nước sông mấy năm nay cũng không còn sạch như trước, thường có mùi tanh rất khó chịu nên người dân ít sử dụng. “Cả ấp Tam Hòa có 6 tổ. Đến nay các hộ dân ở tổ 4, 5, 6 đã có đường ống nước sạch vào tận nhà, 3 tổ còn lại không biết vì sao mà chưa kéo được đường ống nước nên bà con cứ ngóng trông nước máy từng ngày” - ông Điền nói.
* Sẽ có nước máy trong quý I-2018
Trước tình trạng “khát nước sạch” của người dân ấp Tam Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Phạm Văn Hòa thừa nhận nguồn nước ở địa bàn này đã bị ô nhiễm. Tại cuộc gặp gỡ đại biểu HĐND tỉnh vừa qua, cử tri và chính quyền địa phương đều kiến nghị cơ quan chức năng và các ban, ngành liên quan sớm xem xét, lắp đặt hệ thống nước sạch cho người dân sử dụng. Bởi nếu kéo dài tình trạng này thì nguy cơ nhiễm bệnh trong dân là rất cao.
Nước giếng khi nấu lên có một lớp váng nổi phía trên. |
Trao đổi về hướng giải quyết nhu cầu cấp nước cho các hộ dân ấp Tam Hòa, ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, cho biết ở tổ 1, 2, 3, ấp Tam Hòa có vị trí gần cầu An Hảo. Tại khu vực này, đơn vị thi công đường dẫn lên cầu An Hảo chỉ giải phóng mặt bằng đủ phần đường nên chưa làm vỉa hè 2 bên. Do không có mặt bằng nên công ty chưa thể bố trí tuyến ống cấp nước để cung cấp nước sạch cho khu vực. “Trước mắt, công ty sẽ phối hợp với UBND xã Hiệp Hòa tiến hành khảo sát tại khu vực ấp Tam Hòa để ghi nhận cụ thể nhu cầu sử dụng nước của từng hộ dân. Trên cơ sở tính toán công suất tiêu thụ nước của cụm dân cư, chúng tôi sẽ đầu tư đường ống cho phù hợp nhằm sớm đưa nước máy phục vụ người dân. Dự kiến, công trình này hoàn thành trong
quý I -2018” - ông Tuyên nói.
Kim Liễu