Bạn đọc

Lâm San chuyển mình

Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Cẩm Mỹ, Lâm San gần đây đã thay da đổi thịt với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao…

Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Cẩm Mỹ, Lâm San gần đây đã thay da đổi thịt với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao…

Một trong những con đường làng ở xã Lâm San.Ảnh: M.QUÂN
Một trong những con đường làng ở xã Lâm San.Ảnh: M.QUÂN

Đặc biệt, mấy năm gần đây địa phương đã trở thành “thủ phủ” của cây tiêu, mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người dân.

* Cùng nông dân vượt khó

Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng cho biết xã Lâm San đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đây là một trong những động lực giúp lãnh đạo cũng như người dân trong xã đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2017 và đã hoàn thành. “Tôi nghĩ rằng, Lâm San được xem là xã “bước đệm” để các địa phương khác rút kinh nghiệm, học hỏi và phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” - bà Hoàng chia sẻ.

Là một trong những hộ nghèo trước đây, đến nay gia đình ông Đào Văn Minh (ngụ ấp 4, xã Lâm San) đã khá hơn rất nhiều. Để thoát cảnh nghèo khó, gia đình ông Minh không chỉ cần cù lao động mà còn được sự giúp đỡ sát sao từ chính quyền địa phương. Ông Minh cho biết dạo trước 2 hécta đất của gia đình ông chủ yếu trồng bắp, lúa nên giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2010, ông Minh được tham dự các lớp học về trồng và chăm sóc cây tiêu do địa phương tổ chức cũng như biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật - khoa học vào sản xuất nên sau này ông đã dần chuyển đổi đất canh tác sang trồng tiêu. Mỗi năm, trừ các chi phí gia đình ông thu về trên dưới 200 triệu đồng. Đến năm 2016 gia đình ông Minh được xác nhận đã thoát nghèo.

Nông dân Đào Văn Minh bên vườn tiêu hàng năm cho năng suất cao, thu nhập khá.
Nông dân Đào Văn Minh bên vườn tiêu hàng năm cho năng suất cao, thu nhập khá.

Tương tự, những năm trước gia đình chị Lý Thị Thu Thanh (dân tộc Chơro) khá đơn chiếc khi một mình chị nuôi 3 con ăn học. Không có nhiều đất canh tác nên cuộc sống mẹ con chị Thanh thiếu trước hụt sau. Nhằm giúp chị vượt qua khó khăn, xã Lâm San đã hỗ trợ xây nhà tình thương, đầu tư cho chị 1 cặp dê giống và 1 cặp bò. Những con giống này sau đó phát triển lên 15 con dê cùng với đàn bò 5 con chỉ sau 1 năm. Nói về sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương đối với gia đình mình, chị Thanh cho biết nếu chỉ một mình bươn chải thì chị không thể nuôi con gái đang học đại học, con trai đang học nghề sửa xe ô tô.

* Những con đường sạch - đẹp

Khi chúng tôi có mặt ở xã Lâm San trong những ngày cuối năm, đúng lúc địa phương cùng với người dân nơi đây đang chuẩn bị trồng hàng trăm cây hoa Hoàng Yến 2 bên đường tỉnh 765. Ngoài ra, 67 tuyến đường do xã quản lý đến nay đã bảo đảm tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.

Từ cặp dê giống ban đầu do chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay đàn dê của chị Lý Thị Thu Thanh ngày càng phát triển.
Từ cặp dê giống ban đầu do chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay đàn dê của chị Lý Thị Thu Thanh ngày càng phát triển.

Chia sẻ về những đổi thay ở một vùng quê vốn nghèo khó, Bí thư Đảng ủy xã Đào Ngọc Minh phấn khởi cho rằng năm nay xã quyết tâm biến các trục đường chính của xã thành những con đường hoa đặc trưng. Bên cạnh đó, xã vận động mọi người cùng chung tay chăm sóc, giữ gìn để đường sá ở Lâm San luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Theo ông Minh, không chỉ trục đường chính mà hiện nay các con đường nông thôn đều đã được trải nhựa, giao thông đi lại rất thuận lợi. “Người dân rất vui vẻ khi bộ mặt nông thôn thay đổi nên tất cả đều ý thức về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều hộ gia đình thấy xã trồng hoa phía trước nhà mình, đều tự giác chăm sóc nên cây luôn xanh tốt” - ông Minh nói.

Giờ đây, người dân Lâm San không còn lo gánh nặng cơm áo như trước nên cuộc sống của mọi người khá thoải mái. Để đạt được điều này, cơ bản nhờ vào chủ trương xây dựng nông thôn mới hết sức có ý nghĩa. Các công trình dân sinh, như: điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp đúng mức đã đáp ứng nhu cầu trong đời sống của bà con xã Lâm San.

Trước năm 2012, Lâm San được xem là xã đặc biệt khó khăn với thu nhập bình quân chỉ dưới 9 triệu đồng/người/năm, và có đến hàng trăm hộ nghèo. Ngoại trừ đường tỉnh 765 đi qua xã thì 100% giao thông ở địa phương là đường đất. Thế nhưng, chỉ sau 7 năm cố gắng xây dựng, phát triển kinh tế, Lâm San ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo hoàn toàn mới với thu nhập bình quân đạt trên 59 triệu đồng/người/năm, 100% đường giao thông trong xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa… Hiện tại, toàn xã chỉ còn 17 hộ nghèo/gần 2 ngàn hộ dân.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,838       121