Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em gây bất bình trong dư luận xã hội. Có trẻ mới chỉ mấy tháng tuổi bị hành hạ gây thương tích; hoặc trẻ mầm non bị bảo mẫu đánh đập như trường hợp ở Trường mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) vào cuối tháng 11 vừa qua...
Bà Ngô Diệu Thanh. Ảnh: K.Liễu |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về công tác quản lý các cơ sở giữ trẻ, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Ngô Diệu Thanh cho biết các vụ bạo hành trẻ em tuy không xảy ra ở Đồng Nai nhưng đã tạo tâm lý lo ngại cho phụ huynh, nhất là khu vực TP.Biên Hòa - nơi có số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non nhiều nhất tỉnh.
Thưa bà, trước đây ở Đồng Nai đã từng xảy ra vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non ngoài công lập. Từ đó đến nay ngành giáo dục đã có những giải pháp gì để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giữ trẻ?
- Vụ bạo hành trẻ em tại TP.Biên Hòa xảy ra cách đây gần 10 năm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm. Đây là vụ việc nổi cộm vào thời điểm đó, nên để tránh xảy ra trường hợp tương tự ngành đã tăng cường nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập. Trong đó, Phòng GD-ĐT chú trọng tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chuyên môn định kỳ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non. Từ đó phòng kiên quyết đình chỉ những nhóm lớp giữ trẻ tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cũng như các nhóm lớp tự phát hoạt động khi chưa được phép.
Ngoài ra, phòng còn kết hợp với UBND các phường, xã trên địa bàn thông báo đến các tổ dân phố, khu phố về các nhóm trẻ tư thục độc lập đã được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động để phụ huynh biết và cân nhắc khi lựa chọn nơi gửi trẻ. Phòng GD-ĐT thành phố còn chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quán triệt tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tình thương đối với trẻ; tuyên truyền, động viên người dân tố giác những cơ sở không đảm bảo an toàn cho trẻ...
TP.Hồ Chí Minh dự kiến lắp camera giám sát tại các cơ sở giữ trẻ để phụ huynh và cơ quan chức năng có thể kiểm soát hoạt động của các cơ sở trên, qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo hành đối với trẻ. Bà đánh giá ý tưởng này như thế nào, có thể vận dụng tại TP.Biên Hòa không?
- Hiện tại, ở TP.Biên Hòa nhiều trường, cơ sở giữ trẻ có gắn camera. Tuy nhiên, việc này xuất phát từ sự đồng thuận giữa phụ huynh, chủ cơ sở và giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện. Chúng tôi chỉ khuyến khích các trường, các nhóm trẻ gắn camera ở lớp học chứ chưa tính đến phương án bắt buộc. Tôi nghĩ vấn đề này cần cân nhắc kỹ, bởi việc giám sát thông qua camera có thể càng gây thêm khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non. Còn giáo viên thì cho rằng nếu “bị giám sát” sẽ tăng thêm áp lực, vì khi làm việc trong môi trường có máy móc ghi lại hình ảnh hoạt động là thiếu sự tôn trọng, không tin tưởng thầy cô. Theo tôi, vấn đề cốt lõi vẫn là cách quản lý và đào tạo lực lượng giáo viên mầm non. Về phía phụ huynh, cũng cần hiểu về phương pháp giảng dạy của giáo viên, chia sẻ với nhà trường trong việc nuôi dạy trẻ. Bởi nếu không am hiểu và thông cảm mà chỉ nhìn qua màn hình thì có thể xảy ra hiểu lầm, thậm chí dẫn đến khiếu kiện.
Là người làm công tác quản lý, theo bà cần phải làm gì để chuẩn hóa các cơ sở mầm non về các mặt để đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo?
- Thực tế hiện nay, việc xây dựng trường lớp bậc mầm non ở TP.Biên Hòa chưa đáp ứng được nhu cầu so với tỷ lệ dân số tăng cơ học. Vì thế, mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh góp phần giải quyết nhu cầu huy động trẻ ra lớp. Toàn thành phố hiện có 33 trường công lập, 58 trường tư thục và 599 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư nhân. Các vụ bạo hành trẻ em do các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua đều xảy ra tại các nhóm trẻ ngoài công lập. Nguyên nhân là do các điểm sử dụng giáo viên chưa được đào tạo chuyên môn, trong khi sĩ số học sinh quá tải.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Nhóm trẻ Bình An (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). (ảnh do Phòng GD-ĐT Biên Hòa cung cấp) |
Việc chuẩn hóa các cơ sở mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục, giảng dạy tốt luôn được ngành giáo dục quan tâm. Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đang triển khai kế hoạch yêu cầu các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục cải tạo cơ sở vật chất để phù hợp với những nơi có từ 50 trẻ trở lên phát triển thành trường. Theo lộ trình đến năm 2022, thành phố sẽ có 228 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thành lập trường, từ đó có thể an tâm về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và xây dựng mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu, đảm bảo quy định. Chúng tôi cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu cho những người giữ trẻ chưa có bằng chuyên môn.
Trong các cuộc họp giao ban với hiệu trưởng, chủ nhóm lớp, chúng tôi đều nhắc nhở, nếu nơi nào xảy ra chuyện đánh trẻ thì phải xử lý nghiêm giáo viên có hành vi bạo hành đó. Mặt khác, tổ chức các phong trào sinh hoạt trong nhà trường để giảm áp lực cho giáo viên, giúp họ có được tâm lý thoải mái, hăng hái trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các trường, nhóm lớp tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề với sự góp mặt của chuyên gia tâm lý nhằm giúp giáo viên có thêm kỹ năng xử lý tình huống, tạo thêm động lực tình yêu nghề cho giáo viên để họ chăm sóc và đối xử với trẻ tốt hơn...
Xin cảm ơn bà!
Năm 2016 toàn TP.Biên Hòa có 5/91 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia gồm 4 trường mầm non công lập là: Hướng Dương, Hoa Mai, Hòa Bình, Hiệp Hòa và 1 trường tư thục là Hoa Phượng. Theo ngành GD-ĐT, con số này khá thấp. Nếu nhận trẻ đúng theo điều lệ tại các trường công lập là 25 trẻ/lớp nhóm trẻ, lớp mầm và 30 em/lớp chồi và 35 trẻ/lớp lá thì không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Vừa qua khi xét trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017, 2 trường mầm non Hướng Dương và Hiệp Hòa bị rớt chuẩn vì sân chơi, nhà vệ sinh bị xuống cấp. Mặt khác, trong khi các trường mầm non công lập có 100% giáo viên đạt chuẩn (trong đó 60% giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học) thì các nhóm lớp độc lập, tư thục chỉ có 80% giáo viên đạt chuẩn. |
Kim Liễu (thực hiện)