Bạn đọc

Chính sách mới

Các bộ, ngành vừa ban hành một số thông tư liên quan mật thiết đến đời sống xã hội.

Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi phải nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm (ảnh minh họa).
Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi phải nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm (ảnh minh họa).

* Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong

Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong trong cơ sở giáo dục công lập. Thông tư có hiệu lực từ ngày 24-12-2017.

Thông tư nêu rõ: giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong trong các trường công lập phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; đã được đào tạo nghiệp vụ công tác đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đội; có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức hoạt động đội và phong trào thiếu nhi.

Ưu tiên chọn những giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục - thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức các hoạt động đội và phong trào thiếu nhi. Thời hạn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong là 5 năm. Hết thời gian này mà còn đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng muốn làm Tổng phụ trách đội thì hiệu trưởng và hội đồng trường xem xét quyết định.

* Nguyên tắc sử dụng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi

Ngày 10-11-2017, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25-12-2017.

Theo đó, việc sử dụng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm những điều kiện sau đây: thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi phải nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được cơ quan thẩm quyền cho phép; phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh/hóa chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; việc kê đơn thuốc thú y được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề; thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng đối với từng loại thức ăn chăn nuôi; chỉ được sử dụng thuốc thú y trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn có tinh bột cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam; cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.

* Phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo an toàn

Ngày 15-11-2017, Bộ Giao thông - vận tải ban hành Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi theo quy định sau:

Đối với phương tiện từ 12-20 ghế ngồi phải có: bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm; số điện thoại, địa chỉ cơ quan tìm kiếm cứu nạn; biểu đồ hành trình tuyến du lịch; thùng chứa đồ uống; thùng rác.

Đối với phương tiện từ 20-50 ghế ngồi phải trang bị thêm: dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc, dụng cụ sơ cứu, cứu nạn; khu vực phục vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế và các quy định phòng chống cháy nổ.

Ngoài những nội thất và tiện nghi trên, phương tiện trên 50 ghế ngồi trở lên phải có mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ (quạt mát); phòng vệ sinh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018.

P.V (tổng hợp)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,432       1,165