Bạn đọc

Tiến tới quản lý hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân

Gần đây, dư luận rất quan tâm đến vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, thay vào đó là giải pháp quản lý dân cư theo công nghệ hiện đại mà Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện.

Người dân đến làm thủ tục về hộ khẩu tại Công an TP.Biên Hòa (ảnh minh họa, chụp ngày 14-11-2017). Ảnh: N.Liên
Người dân đến làm thủ tục về hộ khẩu tại Công an TP.Biên Hòa (ảnh minh họa, chụp ngày 14-11-2017). Ảnh: N.Liên

Tại cuộc họp báo về quản lý dân cư trong thời gian tới được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công an đã thông tin chi tiết xung quanh phương án bỏ sổ hộ khẩu.

* Bỏ sổ hộ khẩu nhưng vẫn quản lý dân cư

Việc bỏ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính để phục vụ người dân. Tuy nhiên, dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng Nhà nước vẫn có cách thức quản lý dân cư bằng phương thức mới, phù hợp với yêu cầu phát triển. Nói cách khác, sổ hộ khẩu hiện tại sẽ được thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân khẩu; tiến tới việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân.

Trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến giấy tờ cá nhân của công dân, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định thời gian tới sẽ bỏ sổ hộ khẩu nhưng các biện pháp quản lý dân cư, như: đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan công an sẽ có các biện pháp, cách thức quản lý dân cư phù hợp, hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tiến hành tổ chức thu thập toàn bộ thông tin của cư dân, sau đó xây dựng hệ thống kỹ thuật từ trung ương đến xã, phường, thị trấn để khai thác, phục vụ công tác quản lý dân cư bằng công nghệ tin học.

Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức cấp phiếu cho người dân khai những thông tin về bản thân. Qua đó, người dân sẽ được cấp một mã số định danh. Mã số định danh được coi là “chìa khóa”  để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia, nhằm nắm bắt thông tin về công dân để giải quyết thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn.

Lúc đó, người dân không cần xuất trình các loại giấy tờ, như: sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân...; không phải đi chứng thực hay xin xác nhận của xã, phường như trước đây.

Theo kế hoạch, từ ngày 1-1-2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đưa vào sử dụng. Công dân khi đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ tên, mã số định danh và chỗ ở. Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính về giấy tờ cá nhân; khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.

* Đơn giản hóa các loại giấy tờ cá nhân

Có thể nói, hộ khẩu lâu nay là “điều kiện” để công dân có thể sống yên ổn, an tâm làm ăn. Bởi cá nhân hoặc gia đình khi tạm cư ở xứ khác mà không có hộ khẩu sẽ rơi vào tình trạng “nhiều không” mà có tới 20 thủ tục hành chính bắt buộc phải có hộ khẩu, như: điện, nước, việc làm, nhập học cho con; xin cấp giấy phép kinh doanh, vay vốn, đăng ký xe… dẫn đến chỗ bị thiệt thòi về nhiều mặt. 

Giải thích về việc bỏ sổ hộ khẩu trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đây, khi có việc cần thiết liên quan đến gia đình, bản thân mọi công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây ra những phiền hà không đáng có. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư.

Việc thu thập thông tin của công dân bằng công nghệ tin học sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ hiệu quả, kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về dân cư; đồng thời thực hiện các bước thủ tục hành chính gọn gàng, rút ngắn thời gian đi lại, chi phí của công dân. T

ương tự, việc quản lý nhân khẩu tạm trú cũng sẽ không còn “sổ tạm trú” mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các thủ tục như: tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.

Để triển khai thu thập đầy đủ các thông tin cá nhân, cần phải có thời gian thực hiện chặt chẽ. Bộ Công an đang đặt ra lộ trình đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể hoàn thành các dữ liệu thông tin cá nhân của trên 90 triệu dân, sau đó tiến hành cấp số định danh cá nhân (12 số) trên thẻ căn cước công dân. Đầu năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân mới đi vào vận hành.

Như vậy, hiện tại chưa thể bỏ ngay các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu để quản lý bằng mã số định danh cá nhân như nhiều người ngộ nhận, hiểu chưa đầy đủ về thời điểm thực hiện chủ trương bỏ sổ hộ khẩu.

P.V (tổng hợp)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,432       1,235