Bạn đọc

Không nên sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin

Thời gian gần đây, một số trường hợp sử dụng điện thoại di động lúc đang sạc pin thì bất ngờ thiết bị phát nổ gây thương tích…

Thời gian gần đây, một số trường hợp sử dụng điện thoại di động lúc đang sạc pin thì bất ngờ thiết bị phát nổ gây thương tích…

Người mua đang xem đồ sạc điện thoại bày bán  trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: P.LIỄU
Người mua đang xem đồ sạc điện thoại bày bán trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: P.LIỄU

Sạc pin điện thoại di động là chuyện làm hàng ngày của mọi người sử dụng. Tuy nhiên, đừng tưởng cứ cắm điện vào là “a lô” thoải mái, bởi đôi khi sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là đối với cục sạc pin dỏm, không rõ nguồn gốc.

* Hàng dỏm bán tràn lan

Lâu nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân của đa số người dân. Đi kèm điện thoại là các linh kiện, như: cục sạc, dây sạc, pin sạc dự phòng, tai nghe… Chính những linh kiện này có thể trở thành mối nguy hiểm chết người.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay chi cục đã xử lý một số vụ việc buôn bán điện thoại và linh kiện điện thoại không đạt chuẩn. Phần lớn đó là hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại một vài điểm nhỏ lẻ bán những thiết bị đi kèm điện thoại di động mà cơ quan chức năng chưa dẹp hết được. Theo ông Hóa, người tiêu dùng không nên mua linh kiện điện thoại của những điểm bán lẻ này vì chất lượng sản phẩm kém, không đảm bảo an toàn cho người dùng.

Cuối tuần rồi khi về nhà ở xã Phước Thái (huyện Long Thành), lúc trở lại ký túc xá, em Quế Trân, sinh viên Trường đại học Đồng Nai, quên đem theo dây sạc iPhone 5s. Do không đủ tiền để mua hàng chính hãng có giá hơn 500 ngàn đồng, Trân liền ghé vào một quầy nhỏ bán linh kiện, đồ điện tử bên lề đường Đồng Khởi, mua dây sạc iPhone chỉ 60 ngàn đồng. Nhưng sau 1 tuần sử dụng, bữa đó Trân đang cắm điện sạc thì ngửi thấy mùi khét và tiếng nổ nhỏ tóe lửa ngay chỗ tiếp xúc giữa dây sạc và điện thoại. Khi đưa điện thoại ra tiệm sửa, thợ kiểm tra cho biết pin điện thoại đã bị cháy.

Hiện tại, trên nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa có những quầy nhỏ bày bán linh kiện điện thoại kể cả cũ và mới với đủ loại giá. Đương nhiên, với những mặt hàng giá rẻ ấy thì khó bảo đảm chất lượng, vì phần lớn là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Anh Nguyễn Hải (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) rất mê chơi game. Những lúc đang “đấu” online mà điện thoại sắp hết pin, đúng lúc không thể dừng cuộc chơi nên anh vô tư cắm sạc pin và tiếp tục chơi. Theo anh Hải, trước đây anh thoải mái cắm sạc và sử dụng điện thoại hàng giờ. Gần đây đọc báo mới biết có một số trường hợp bị thương tích, thậm chí tử vong vì dùng điện thoại khi đang sạc nên anh không dám “liều mạng” nữa.

* Sạc Pin điện thoại đúng cách

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến các sự cố chập cháy, nổ điện thoại di động, ông Nguyễn Thanh Hiếu, kỹ sư điện tử đang làm quản lý tại một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động ở TP.Biên Hòa, cho biết điện thoại di động khó tự cháy nổ. Nguyên nhân chủ yếu từ cục sạc pin không đạt chuẩn và sạc không đúng cách.

Theo kỹ sư Hiếu, ngay cả dây sạc chính hãng đôi lúc cũng bị chập cháy, nổ pin, cháy điện thoại nếu dùng sai cách. Những cục sạc, dây sạc dỏm thường có vỏ bọc bên ngoài mỏng, giòn, dễ đứt gãy nên khi cắm sạc, người sử dụng có thể bị giật điện qua các mối hở đó. Ngoài ra, cục sạc dỏm thường không có thiết bị cách ly giữa 2 dòng điện đầu vào và đầu ra; không được gia công đúng chuẩn để có thể chuyển đổi nguồn điện áp cao 220V (có thể gây chết người) xuống điện áp thấp 5V (không thể gây tai nạn hay chết người được). Chưa kể, hiện nay một số mẫu điện thoại di động có vỏ bọc hoặc khung viền bên ngoài bằng kim loại để làm đẹp cho sản phẩm, nhưng đó lại là nguồn dẫn điện nguy hiểm khi dây sạc bị hở.

Kỹ sư Hiếu giải thích nguyên nhân dẫn đến các sự cố liên quan đến điện thoại đang sạc pin là do nhiều ứng dụng cùng hoạt động một lúc nên dẫn đến xung đột nguồn điện, làm thiết bị nóng lên. Khi đó, một số vi mạch trong điện thoại bị chảy, dẫn đến chập cháy, nổ. Với những trường hợp này, nguy cơ sát thương cao ở vùng đầu, mặt vì người dùng tiếp xúc quá gần với điện thoại.

Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất có thể xảy ra, người dùng không nên vừa sạc pin mà vẫn sử dụng điện thoại. Nếu cần, chỉ có thể sử dụng điện thoại với pin sạc dự phòng, vì điện áp từ loại pin này nhỏ hơn rất nhiều so với điện áp của nguồn điện gia dụng. Mặt khác, để an toàn thì nên cắm dây sạc vào điện thoại trước rồi mới cắm cục sạc vào ổ điện; sạc xong thì rút cục sạc trước rồi mới rút dây sạc ra khỏi điện thoại.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,501       708