Bạn đọc

Đến năm 2020, khoảng 300 ngàn công nhân lao động có chỗ ở ổn định

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có khoảng gần 700 ngàn lao động ngoài tỉnh đang làm việc, trong đó hơn 70% cần chỗ ở ổn định. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Huy Hoàng cho biết nhà ở xã hội (NƠXH) hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đối với công nhân lao động.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có khoảng gần 700 ngàn lao động ngoài tỉnh đang làm việc, trong đó hơn 70% cần chỗ ở ổn định. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Huy Hoàng cho biết nhà ở xã hội (NƠXH) hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đối với công nhân lao động.

Lâu nay, đông đảo người lao động phải sống trong những phòng trọ chật chội, kém chất lượng.
Lâu nay, đông đảo người lao động phải sống trong những phòng trọ chật chội, kém chất lượng.

Theo ông Hoàng, hiện tại có 4 thành phần tham gia đầu tư xây dựng NƠXH theo 2 hình thức: dự án do Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và doanh nghiệp có sử dụng lao động thực hiện; NƠXH của hộ gia đình, cá nhân xây dựng để cho thuê.

 Thưa ông, lao động ngoài tỉnh đang làm việc ở Đồng Nai đông đúc, nhưng đa số vẫn phải sống ở nơi chật chội, điều kiện an ninh và môi trường chưa đạt chuẩn. ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo kế hoạch, đến năm 2020 Đồng Nai sẽ phấn đấu hoàn thành 20 ngàn căn NƠXH. Đến nay, một số khu vực đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: NƠXH phường Quang Vinh với 716 căn đã bố trí toàn bộ; NƠXH phường Bửu Long gồm 184 căn cũng bán hết; NƠXH huyện Nhơn Trạch 1.111 căn đang bán và cho thuê, dự án khác cũng tại huyện Nhơn Trạch với quy mô 2.192 căn hiện xây dựng xong 140 căn và đang tổ chức bán; NƠXH phường Tam Hòa 408 căn đang hoàn thành.

Riêng với loại hình nhà trọ tư nhân, trên toàn tỉnh hiện có hơn 15 ngàn hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng trên 150 ngàn phòng trọ để kinh doanh, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 450 ngàn lao động.

Ngoài ra còn một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Phong Thái, Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom), Công ty TNHH Formosa, Công ty Chinwell Fasteners (huyện Nhơn Trạch) và các doanh nghiệp khác đã đầu tư xây dựng, bố trí chỗ ở cho khoảng 20 ngàn lao động.

 Mới đây trong lần đến thăm và đối thoại với công nhân lao động Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh nên dành thêm quỹ đất để xây dựng NƠXH  cho người lao động. Vậy kế hoạch cho vấn đề này được triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chăm lo, ổn định nhà ở cho công nhân lao động, Sở Xây dựng đã phối hợp với một số sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra thực tế các khu đất công. 4 địa phương có nhu cầu lớn về NƠXH đã đề xuất với tỉnh 11 khu vực để thực hiện dự án NƠXH với tổng diện tích là 186 hécta. Riêng TP.Biên Hòa - địa bàn bức bách nhất về chỗ ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp - đã giới thiệu 5 địa điểm để làm NƠXH với diện tích khoảng 64 hécta tại các phường, xã: Trảng Dài (4 hécta), Long Bình Tân (1,4 hécta), Long Bình (40 hécta) và Hóa An (18,7 hécta). Một số dự án đang triển khai mời gọi đầu tư xây dựng, giai đoạn 2017-2020, riêng khu vực phường Long Bình và xã Hóa An sẽ triển khai sau năm 2020. Nếu các công trình NƠXH trên hoàn thành, sẽ giải quyết chỗ ở ổn định cho thêm khoảng 300 ngàn công nhân lao động và người có thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội ở phường Tam Hòa đang trong giai đoạn hoàn thành, nhưng giá gần 1 tỷ đồng/căn nên công nhân lao động không thể “với” tới
Nhà ở xã hội ở phường Tam Hòa đang trong giai đoạn hoàn thành, nhưng giá gần 1 tỷ đồng/căn nên công nhân lao động không thể “với” tới

Như vậy, cái khó về quỹ đất cơ bản đã được giải quyết, nhưng vấn đề vốn vẫn còn khó khăn rất lớn. Hiện nay, gói 30 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ người dân mua nhà, thuê mua, sửa chữa đã chấm dứt; gói hỗ trợ theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý NƠXH từ ngân hàng chính sách xã hội chưa được cấp vốn. Song, tỉnh đã có chủ trương những địa phương không có nhu cầu hay những khu vực không thích hợp làm NƠXH có thể bán đấu giá quỹ đất 20% hoặc hoán đổi bằng tiền để lấy kinh phí xây dựng NƠXH ở những nơi khác đang cần.

 Nếu thực hiện theo chủ trương của tỉnh thì thời gian tới NƠXH sẽ không còn quá khan hiếm. Tuy nhiên, căn hộ trong những dự án này giá khá cao, đa phần công nhân và người thu nhập thấp khó có thể “với” tới. Tỉnh có chính sách hỗ trợ như thế nào để công nhân lao động và người thu nhập thấp có thể sở hữu được căn hộ?

- Đối với NƠXH cho đối tượng công nhân, tỉnh sẽ có các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, như: miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT giảm xuống còn 5%; được hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hạ tầng kỹ thuật; cung cấp dịch vụ điện, nước giá ưu đãi tại các khu NƠXH… Với những ưu đãi trên, giá thành căn hộ NƠXH sẽ giảm xuống, người lao động có thể chọn lựa những hình thức mua trả góp hoặc thuê.

Có thể nói, trong tương lai nhà ở cho công nhân lao động không còn là vấn đề quá bức bách. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng thích mua NƠXH, bởi khá nhiều trường hợp không muốn gắn bó lâu dài ở Đồng Nai nên thường xuyên thay đổi nơi làm việc. Ngoài ra, tâm lý nhiều người muốn tích lũy vốn để mua đất xây nhà riêng, nên không phải ai cũng mặn mà với NƠXH.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,502       700