Bạn đọc

Nguy cơ rối loạn tâm lý ở trẻ em

Những đổi thay tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành cao, thất bại trong thi cử, thiếu vắng tình thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè… đã làm không ít trẻ em rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý.

Những đổi thay tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành cao, thất bại trong thi cử, thiếu vắng tình thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè… đã làm không ít trẻ em rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý.

Gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ giúp trẻ phát triển cả tinh thần lẫn thể chất (ảnh minh họa).Ảnh: P.LIỄU
Gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ giúp trẻ phát triển cả tinh thần lẫn thể chất (ảnh minh họa).Ảnh: P.LIỄU

Đã có nhiều trường hợp trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình đối với sức khỏe tâm thần khiến trẻ bị u uất. Hơn nữa, vì không được can thiệp kịp thời nên dẫn tới chỗ trẻ tuyệt vọng, tự hủy hoại bản thân.

Nỗi lòng người trong cuộc

Kết quả khảo sát từ Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) tiến hành năm 2015 tại các trường THCS và THPT ở 5 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai), cho thấy có đến 90% số học sinh được hỏi cho rằng bản thân gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và có nhu cầu được tư vấn.

Nửa năm nay, cứ 2 tuần một lần, chị Nguyễn Ngọc M. (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) lại dẫn con gái 13 tuổi đến Khoa Tâm thần trẻ em Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khám bệnh, lấy thuốc và trị liệu tâm lý cùng chuyên gia. Ngồi chờ con, chị M. rưng rưng nước mắt nói: “Con tôi học khá giỏi. Năm ngoái, tôi gợi ý cho cháu thi vào trường chuyên nên cháu ngày đêm học hành. Tuy nhiên, khi không vào được trường chuyên cháu đã bị sa sút tinh thần. Nỗi buồn chất chồng vì thất vọng nên cháu trở nên suy sụp. Sai lầm của tôi là đã trách con rất nhiều làm cháu đi học về là lặng lẽ vào phòng đóng cửa. Một lần thấy cháu đăng lên Facebook mấy ảnh liên quan đến tự vẫn cùng dòng trạng thái “bế tắc toàn tập”, tôi vội vã đưa cháu đến gặp chuyên gia tâm lý thì được biết cháu bị trầm cảm nặng”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị T.O. (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cũng có con đang điều trị tại Khoa Tâm thần trẻ em (Bệnh viện tâm thần trung ương 2), cho biết con gái chị học lớp 8, tính nhút nhát, học không giỏi nên thường xuyên bị bạn bè trong lớp cô lập. Nhiều khi cô bé còn bị bạn bè nói xấu trên Facebook với những lời tổn thương khiến cháu ngày càng co cụm. Mấy lần cháu giả bệnh để không phải đến lớp. Một lần vô tình kiểm tra điện thoại của con, chị O. choáng váng khi thấy tin nhắn con chị gửi cho một người bạn nói không muốn sống nữa vì chán bản thân, ghét bạn bè. “Tôi trách mình vì đã không gần gũi, chia sẻ cùng con những lúc khó khăn, không sớm nhận ra tình trạng u buồn của cháu. Cũng may tôi phát hiện kịp thời, ngăn ngừa được hành động có thể dẫn đến nông nổi thì gia đình sẽ ân hận suốt đời” - chị O. bộc bạch.

Cha mẹ hãy gần gũi con

Những biểu hiện rối loạn tâm thần ở trẻ em thường thấy: cảm giác buồn chán, thất vọng, tuyệt vọng, thấy chán ghét bản thân;  mất hứng thú trong hoạt động đời sống, ăn ngủ kém, không tập trung và thường có ý nghĩ muốn tự sát hoặc hủy hoại bản thân…

Theo thống kê của Bệnh viện tâm thần trung ương 2, thời gian qua Khoa Tâm thần trẻ em mỗi năm tiếp nhận từ 200-300 ca bệnh rối loạn tâm lý ở trẻ em. Nhiều ca trong số này đã ở vào tình trạng trầm cảm nặng, phải điều trị phối hợp nhiều liệu pháp kéo dài, dẫn đến tốn kém cho gia đình.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Trần Thị Ngọc Chung, người đã có 14 năm làm công tác tư vấn trị liệu tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sang chấn tinh thần, rối loạn tâm lý ở trẻ em, như: áp lực học hành nặng nề, thất bại trong thi cử, bị lạm dụng tình dục, bị bạo lực học đường, thiếu tình thương, chia sẻ của cha mẹ… Những tổn thương tâm lý này nếu không được kịp thời chia sẻ, can thiệp sẽ tích tụ thành chứng u uất, trầm cảm. Theo bà Chung, những trẻ bị trầm cảm nặng sẽ được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chẩn đoán, cấp thuốc, sau đó gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Việc điều trị thường mất nhiều thời gian, song có những trường hợp trẻ không hợp tác hoặc cha mẹ không đủ kiên nhẫn đồng hành cùng con trong suốt quá trình trị liệu khiến kết quả  điều trị không như mong muốn. “Việc phát hiện sớm các biểu hiện rối loạn tâm thần ở trẻ để kịp thời can thiệp là rất quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dành thời gian gần gũi con nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ, đặc biệt với tuổi dậy thì. Cha mẹ cũng không nên đặt kỳ vọng quá cao về tương lai của con vì nếu không đạt được ước nguyện, trẻ sẽ tuyệt vọng” - bà Chung nhấn mạnh.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,504       695