Bạn đọc

Tái chiếm vỉa hè công viên

2 tháng nay, người dân quanh khu vực công viên Long Bình, thuộc phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) lại bức xúc với tình trạng không gian công viên Long Bình bị tái chiếm vỉa hè để bày bàn ghế buôn bán...

2 tháng nay, người dân quanh khu vực công viên Long Bình, thuộc phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) lại bức xúc với tình trạng không gian công viên Long Bình bị tái chiếm vỉa hè để bày bàn ghế bán nước giải khát, đồ ăn… và mùi rác thải phát ra từ bãi trung chuyển rác gần đó.

* Công viên như chợ

Ông Trần Văn Thọ (KP.5, phường Long Bình) cho biết, mấy tháng đầu năm 2017, khi chiến dịch ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của thành phố được thực hiện thường xuyên, thì tình trạng lấn chiếm tạm yên ắng. Gần đây, tình trạng này lại tái diễn. Đặc biệt là buổi tối, phía đường Bùi Văn Hòa, D2 và xa lộ Hà Nội luôn có người buôn bán đông đúc, xe cộ để tràn xuống lòng đường, ảnh hưởng người đi đường.

Hàng rong buổi sáng tại công viên Long Bình (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa).
Hàng rong buổi sáng tại công viên Long Bình (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa).

“Cách đây không lâu từng xảy ra xô xát do người đi xe va quẹt vào bàn ghế của người bán hàng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương” - ông Thọ kể.

Người dân tại đây còn ví công viên Long Bình như một cái chợ nhỏ bởi việc buôn bán nhộn nhịp suốt ngày đêm. Bất chấp nơi đây có đặt bảng cấm, buổi sáng vỉa hè công viên phía đường 2A dẫn vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2 được tận dụng để bày biện các quầy bán đồ ăn sáng. Đến trưa các điểm bán này dọn dẹp nhường chỗ lại cho các quán nước giải khát hoạt động.

Bàn ghế phủ kín vỉa hè công viên vào buổi chiều, kể cả ghế đá công viên cũng bị chiếm dụng.
Bàn ghế phủ kín vỉa hè công viên vào buổi chiều, kể cả ghế đá công viên cũng bị chiếm dụng.

Chiều tối là thời điểm công viên nhộn nhịp nhất khi khu vui chơi trẻ em hoạt động, kéo theo các điểm bán đồ chơi lấn chiếm lòng lề đường rất nguy hiểm, nhất là khu vui chơi có đông trẻ em. Số lượng bàn ghế cũng được người bán hàng rong mở rộng, không gian công viên bị thu hẹp khá nhiều. Thậm chí, các ghế đá phục vụ người dân cũng bị chiếm dụng để buôn bán.

Ông Điểu Phạm Xuân Bình, Đội phó Đội Trật tự đô thị TP.Biên Hòa, cho biết sau những đợt ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, thành phố đã bàn giao lại cho các phường, xã tự quản lý. Tuy nhiên, hiện nay tại 2 điểm công viên có tình trạng tái chiếm mạnh nhất là công viên Long Bình và công viên 30-4 (phường Tân Biên). Sắp tới, TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục ra quân để xử lý những điểm còn lấn chiếm.

Trao đổi về những tồn tại đang diễn ra tại công viên Long Bình, ông Nguyễn Văn Thảo, Tổ trưởng Tổ trật tự đô thị phường Bình Đa, cho biết phường đang gặp khó khăn trong công tác xử lý vi phạm tại đây. Nhiều hộ dân khi lực lượng chức năng của phường đi xử lý thì thu dọn đồ đạc bỏ chạy, nhưng khi lực lượng đi khỏi là bày ra bán lại ngay. Thậm chí, có trường hợp bản thân ông bị đe dọa khi tổ chức các đợt xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại công viên.

* Nặng mùi rác

Ngoài tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công viên Long Bình còn tồn tại tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi trung chuyển rác được tập trung ngay cạnh công viên đã nhiều năm nay chưa được xử lý.

Dù nhà bà Nguyễn Thị Thu (KP.2, phường Bình Đa) ở bên này xa lộ Hà Nội, cách bãi rác hẳn một con đường nhưng vẫn thường xuyên phải sống chung với mùi hôi rất khó chịu từ rác thải. Thời điểm nặng mùi nhất bắt đầu từ khoảng 16 giờ đến gần sáng hôm sau, mùi hôi rất khó chịu.

Xe chở rác tập kết chờ xử lý trên đường D2 làm nước rỉ rác chảy xuống đường bốc mùi hôi.
Xe chở rác tập kết chờ xử lý trên đường D2 làm nước rỉ rác chảy xuống đường bốc mùi hôi.

"Cứ vào buổi chiều là các xe chở rác từ khắp nơi tập trung về đây để sang tiếp rác, dẫn đến mùi hôi từ rác nồng nặc cả một khu vực dân cư. Người dân đã phản ánh nhiều năm nay nhưng không hiểu sao các cấp lãnh đạo thành phố vẫn cho bãi rác tồn tại cạnh công viên” - bà Thu bức xúc.

Nói về tình trạng ô nhiễm từ rác thải tại công viên đã diễn ra nhiều năm nay, theo ông Nguyễn Văn Thảo, Tổ trưởng Tổ trật tự đô thị phường Bình Đa, bãi trung chuyển rác là nơi tập kết rác của nhiều phường, xã, như: Long Bình, Long Bình Tân, Bình Đa, Tân Biên, Phước Tân… nên lượng rác thải rất lớn. Phường Bình Đa nhiều lần kiến nghị lên thành phố có hướng giải quyết sớm nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.

“Thành phố có yêu cầu phường giới thiệu địa điểm để trung chuyển rác, nhưng hiện tại phường không còn quỹ đất trống. Chúng tôi mong thành phố sớm tìm quỹ đất tại những phường, xã khác để di dời trạm trung chuyển rác đi đến nơi hợp lý hơn, tránh bức xúc trong bà con và trả lại môi trường trong lành cho công viên” - ông Thảo chia sẻ.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,552       469