Những ngày qua, nhiều gia đình ở huyện Tân Phú đứng ngồi không yên vì trên 800 hécta lúa bị ngập úng, cây ăn trái gãy đổ; hàng chục căn nhà dưới chân đồi đang có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở đất…
Những ngày qua, nhiều gia đình ở huyện Tân Phú đứng ngồi không yên vì trên 800 hécta lúa bị ngập úng, cây ăn trái gãy đổ; hàng chục căn nhà dưới chân đồi đang có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở đất…
Khu vực đồi đất tại ấp 3, xã Phú Sơn bị sạt lở. ảnh: M.QUÂN |
Nguyên nhân là do những cơn mưa lớn liên tiếp trong những ngày gần đây đã làm đảo lộn cuộc sống người dân. Những gia đình ở khu vực bị sạt lở luôn sống trong trạng thái thấp thỏm, lo âu cho sự an toàn của mình.
Đất đồi sạt lở
Trong 2 ngày: 15 và 16-10, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lốc đã gây ngập úng cây trồng, tốc mái nhiều nhà ở tại 8 xã trong huyện Tân Phú, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Đặc biệt, hơn 30 hộ dân nằm ven chân đồi dọc quốc lộ 20 thuộc xã Phú Sơn có nguy cơ bị hư hại do đất đồi sạt lở. Trong đó, 5 hộ dân đã bị sập một phần nhà vì đất trên cao bất ngờ đổ xuống buộc cơ quan chức năng phải di dời những gia đình này đi nơi khác.
Phần phía sau nhà ông Mai Xuân Yêm (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) đổ sụp do đất đồi sạt lở. |
Gia đình ông Mai Xuân Yêm (ngụ ấp 3, xã Phú Sơn) có gian nhà bếp bị sập do đất sạt lở gây ra buộc ông phải đưa con cháu đến ở nhờ nhà người quen.
Trao đổi về những thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, ông Nguyễn Xuân Sang, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Phú, cho biết để bảo đảm an toàn cho những gia đình ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, huyện đã cho di dời một số hộ dân đến khu vực an toàn. Về lâu dài, đơn vị chuyên trách sẽ đề xuất phương án bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng sạt lở lên các cơ quan chức năng để sớm có hướng giải quyết, ổn định cuộc sống cho bà con. |
Theo ông Yêm, nếu không di tản các cháu nhỏ ra khỏi vùng đất lở thì nguy cơ căn nhà có thể sẽ đổ sập rất nguy hiểm. Hàng ngày, ông Yêm ráng trở về nhà để dọn dẹp đồ đạc hư hỏng nằm ngổn ngang dưới bùn ngập khắp nhà.
Tương tự, hộ bà Lưu Thị Na cũng tất bật thu dọn đồ đạc bị bùn đất lấp đầy từ trong ra ngoài. Theo bà Na, đã mấy chục năm qua đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này khiến người dân không kịp trở tay khi bùn, đất bất ngờ tràn vào nhà.
“Gia đình tôi giờ phải đi ở nhờ, đồ đạc hư hỏng hết. Cũng may hôm xảy ra lở đất, hầu hết bà con quanh xóm đều đi lễ nhà thờ nên không bị nguy hiểm đến tính mạng. Chắc phải mất nhiều ngày nữa chúng tôi mới giải quyết xong bùn đất thì mới có thể về sống trở lại” - bà Na buồn rầu nói.
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê, toàn huyện Tân Phú có khoảng trên 840 hécta lúa, bắp, rau màu và cây ăn trái chuẩn bị cho thu hoạch thì bị ngập úng và gãy đổ. Một số xã có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, như: Phú Điền 200 hécta, Phú Thanh 160 hécta, Thanh Sơn 100 hécta, Nam Cát Tiên 147 hécta…
Người dân di chuyển đồ đạc bị bùn đất làm hư hại. |
Ngoài ra, một số khu dân cư nhà cửa bị ngập, tốc mái; hàng chục hécta cây ăn trái bị hư hại nặng. Ngoài những thiệt hại về cây trồng, tuyến đường 600A cũng có nhiều điểm bị ngập, cây gãy đổ và đất đá vùi lấp mặt đường khiến lưu thông trở nên khó khăn.
Trước những mất mát vì thiên tai ập xuống, nhiều gia đình vốn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nay càng eo hẹp hơn.
Như gia đình ông Trà Văn Lang (86 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phú An), bản thân ông bị bệnh không thể đi lại được, trong khi đó căn nhà tình thương của gia đình không còn đủ chắc chắn để chống chọi lại những cơn gió mạnh nên toàn bộ mái nhà bị hất tung trong đêm.
Trước cảnh éo le này, hàng xóm đã tổ chức sửa lại những phần hư hỏng để gia đình ông Lang có nơi nương náu. Nói về hoàn cảnh gia đình mình, chị Vũ Thị Mai, con dâu ông Lang, cho biết vợ chồng ông Lang đã già yếu, chỉ trông vào con trai với thu nhập từ việc đi làm thuê nên cuộc sống hàng ngày khá chật vật.
“Nhờ bà con giúp đỡ nên mái nhà được sửa chữa tạm thời. Tuy nhiên, do quá cũ nên căn nhà có nguy cơ bị sụp đổ nếu dông lốc lặp lại như vừa qua. Mới đây, chính quyền địa phương đã vận động quyên góp hỗ trợ cho gia đình tôi 40 triệu đồng để làm lại nhà, nhưng do trời mưa thường xuyên nên đường đi rất xấu, không thể vận chuyển vật liệu được. Hy vọng những ngày tới thời tiết thuận tiện hơn để gia đình tôi sửa lại nhà ở” - chị Mai bộc bạch.
Nhằm giúp bà con khắc phục tạm thời những khó khăn, Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú đề xuất vận động hỗ trợ cho 7 gia đình bị thiệt hại do sạt lở đất, dông lốc làm tốc mái với tổng số tiền 70 triệu đồng để sửa chữa, gia cố lại nhà cửa.
Bài và ảnh: Minh Quân