Bạn đọc

Phiền phức với chó thả rông

Lâu nay, nhiều gia đình nuôi chó nhưng không nhốt mà thả rông nên đã gây nhiều phiền toái cho những người ở khu dân cư. Do được tự do "rong chơi" nên một số con chó nghênh ngang ra đường phóng uế bừa bãi, cắn người; thậm chí là tác nhân gây tai nạn giao thông…

Lâu nay, nhiều gia đình nuôi chó nhưng không nhốt mà thả rông nên đã gây nhiều phiền toái cho những người ở khu dân cư. Do được tự do “rong chơi” nên một số con chó nghênh ngang ra đường phóng uế bừa bãi, cắn người; thậm chí là tác nhân gây tai nạn giao thông…

Chó thả rông ngoài đường khá phổ biến ở nhiều nơi lâu nay (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu
Chó thả rông ngoài đường khá phổ biến ở nhiều nơi lâu nay (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu

Có thể nói, những vấn đề liên quan đến việc nuôi chó trong khu dân cư gây không ít khó chịu cho những người xung quanh. Bởi phần lớn thói quen nuôi chó chủ yếu để giữ nhà nên tình trạng thả rông rất phổ biến.

* Mếch lòng vì… chó

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai,  toàn tỉnh hiện có khoảng 130-140 ngàn con chó được người dân nuôi, trong đó 2/3 được nuôi ở các vùng nông thôn. Hàng năm, ngành thú y đều tổ chức triển khai tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, nhưng kết quả chỉ đạt dưới 50% do các hộ nuôi chó không hưởng ứng.

Mặc dù không thích nuôi chó, nhưng từ ngày bị trộm “viếng” liên tục, bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã nuôi một con chó để giữ nhà. Trong hẻm nhà bà Phượng có khoảng chục gia đình cư ngụ, nhưng nuôi tổng cộng đến 7-8 con chó.

Mỗi buổi sáng, nhà nào cũng thả chó ra đường để tự do… phóng uế. Riêng 2 hộ không nuôi chó nhưng sáng nào cũng phải dọn dẹp thứ dơ bẩn, hôi thối ngay trước cửa nhà nên không khỏi phiền lòng. Đã nhiều lần 2 gia đình này lên tiếng thì những hộ khác cứ đổ thừa qua lại, nói không phải chó nhà mình phóng uế. Sau thời gian dài chịu đựng, thời gian gần đây cứ thấy phân chó trước nhà, 2 hộ không nuôi chó liền quét hất vào sân nhà bà Phượng. Thấy nhà mình lãnh “hậu quả”, bà Phượng lại hốt vứt sang nhà khác. Từ đó, những trận cãi vã thường xuyên xảy ra. Đến nay cả xóm chẳng ai thèm nhìn mặt nhau.

Chuyện để chó phóng uế bừa bãi không chỉ làm phiền lòng hàng xóm, gây ô nhiễm môi trường sống, mà không ít trường hợp người đi đường bị chó cắn phải đi chích ngừa bệnh dại; hay tình trạng chó bất ngờ xông vào người đi đường gây phiền phức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì bị té ngã vẫn thường xuyên xảy ra. Bà Vũ Thị Hằng (ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết mới đây gia đình phải bán con chó mực của nhà mình vì “tội” liên tục đuổi theo người lạ. Theo bà Hằng, con chó không cắn nhưng hay từ trong nhà phóng ra đường sủa ầm ĩ rồi xồng xộc đuổi người qua lại khiến ai cũng sợ. Riêng trẻ con chẳng khi nào dám bén mảng tới gần con chó này. Mới đây, con chó chạy theo một thanh niên đi xe máy ngang qua nhà khiến người này luống cuống đâm xe vào cột đèn gây thương tích, gia đình phải đền cả triệu đồng tiền thuốc chữa trị.

Lâu nay, vấn đề thả chó đi lại tự do trong xóm, ngõ hầu như xảy ra khắp nơi. Ở thành phố, từ khi có nạn bắt trộm chó thì nhiều gia đình đã nuôi nhốt chó trong nhà để bảo vệ “thú cưng” của mình, nhưng mỗi ngày cũng thả ra đường 1-2 lần cho chúng đi “vệ sinh” dưới trụ điện hoặc trước… nhà người khác. Còn ở nông thôn, nhiều nhà nuôi cả bầy chó để trông nhà, trông rẫy và chẳng gia đình nào nhốt lại, mà để chúng tự do đi lại. Chính vì vậy, số người bị chó cắn không phải ít. Trên địa bàn tỉnh trong 3 năm trở lại đây không xảy ra trường hợp tử vong nào vì bệnh dại, nhưng số người bị chó cắn phải đi tiêm phòng mỗi năm đến hàng trăm trường hợp, chưa kể những vụ tai nạn do tránh chó “dạo chơi” trên đường…

* Khó xử lý

Từ ngày 15-9, Nghị định 90/2017/ND-CP của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực. Ngoài chế tài tăng mức phạt đối với chủ nuôi để chó chạy rông ngoài đường lên gấp 10 lần. Theo đó, ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiểm tra việc tiêm phòng bệnh dại chó, đồng thời xử phạt các hành vi để chó chạy rông cắn người, gây tai nạn. Tuy nhiên, trong thực tế việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh đối với những hộ nuôi chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường bằng cách phạt nặng chủ nuôi; hoặc tiến hành bắt chó không có người trông coi như TP.Hồ Chí Minh đã quyết liệt thực hiện trong thời gian gần đây. Song, điều này không dễ chút nào.

Ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), cho biết công việc ở xã rất nhiều, mỗi cán bộ cơ sở phải “gánh” mấy đầu việc, đến nay giao thêm lĩnh vực quản lý chó nữa thì rất… “oải”, khó lòng đảm đương. Hơn nữa, xã không có lực lượng đi kiểm tra hay bắt chó thả rông, vì ở nông thôn hầu như nhà nào cũng nuôi chó  thả rông. Nếu được giao thêm nhiệm vụ này, xã chỉ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng bệnh dại chó, không để chó chạy rông ngoài đường. Riêng việc bắt chó để tiêu hủy chắc khó lòng thực hiện được vì tổ chức bộ phận này rất phức tạp.

Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Trần Văn Quang cho rằng xử phạt chó thả rông rất khó, mà chủ yếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành các quy định về nuôi chó. Theo ông Quang, việc bắt chó thả rông ở các khu đô thị đông dân cư được ngành thú y triển khai nhiều năm trước với sự phối hợp của chính quyền địa phương. Sau khi bắt chó thả rông, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai sẽ kiểm tra tiêm phòng vaccine dại cho con vật. Nếu chủ nuôi không có giấy chứng nhận đã tiêm phòng dại cho chó, sẽ bị phạt. Mặc dù Nghị định 90 đã có hiệu lực, nhưng việc xử phạt chó thả rông trong thực tế không dễ. “Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền qua các hình thức, như: phát tờ rơi, qua kênh đài truyền thanh xã...; tổ chức thống kê đàn chó trên toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với UBND xã, phường yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết tiêm phòng dại và không thả chó ra đường nhằm hạn chế những vụ việc nguy hiểm từ chó thả rông” - ông Quang nhấn mạnh.

           Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        120,250       17