Bạn đọc

Vứt rác nơi công cộng còn khá phổ biến

Thời gian qua, tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn còn diễn ra ở nhiều khu dân cư và các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường. Những hành vi này đã "góp phần" làm xấu bộ mặt TP.Biên Hòa...

Thời gian qua, tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn còn diễn ra ở nhiều khu dân cư và các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường. Những hành vi này đã “góp phần” làm xấu bộ mặt TP.Biên Hòa...

Nhân viên vệ sinh thuộc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi đang thu gom rác thải sinh hoạt (ảnh minh họa).
Nhân viên vệ sinh thuộc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi đang thu gom rác thải sinh hoạt (ảnh minh họa). Ảnh: K.Liễu

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Phó giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi Quách Ngọc Bửu cho rằng để thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và đảm bảo mỹ quan đô thị của thành phố rất cần có sự chung tay của cộng đồng.

Thưa bà, thời gian qua công tác xử lý rác thải sinh hoạt được TP.Biên Hòa yêu cầu giải quyết lượng rác trong ngày đúng thời điểm. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường trong thành phố vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do đâu?

- Hiện nay, công ty chúng tôi đang thực hiện trực tiếp thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 29 phường, xã của TP.Biên Hòa (riêng xã Phước Tân, người dân tự tổ chức thu, sau đó tập hợp ở điểm tiếp rác để công ty thu gom). Hàng ngày lực lượng công nhân và cộng tác viên thực hiện thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng rác phát sinh về khu xử lý.

Tuy nhiên, công việc này đến nay gặp nhiều khó khăn, bởi từ tháng 3-2017 công ty thay đổi thời gian thu gom rác lúc ban ngày chuyển sang ban đêm, cụ thể từ 19 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Để người dân biết được lịch thu gom rác mỗi ngày, chúng tôi đã thông báo trên báo, đài và gửi đến UBND các phường, xã về việc thay đổi thời gian trên.

Thế nhưng các hộ dân vẫn giữ thói quen cũ nên đưa rác không đúng thời gian đã thay đổi. Do đó, trên các tuyến đường trong nội ô TP.Biên Hòa và cả ngoại ô vẫn còn tình trạng nhiều hộ kinh doanh quán ăn, người buôn bán hàng rong… xả rác bừa bãi, làm xấu bộ mặt đô thị. Ngoài ra, một số điểm ở khu dân cư thường xuyên phát sinh rác sau giờ thu gom, do các hộ này không đăng ký đổ rác nhưng lại mang rác ra đường bỏ dưới cột điện hoặc vứt bừa bãi khiến nhiều khu vực mất vệ sinh chung.

Số đông người dân thành phố hàng tháng đều trả tiền đổ rác đầy đủ, nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng từ rác thải mất vệ sinh khiến nhiều người bất bình. ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

- Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ dân bỏ rác không đúng giờ, hàng ngày công ty đều cho xe thu gom rác vét trên các tuyến đường. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục phối hợp với UBND phường, xã tiến hành thông báo về thời gian thu gom và vận động người dân đưa rác ra đúng giờ, song đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả. Công ty đã cho lắp đặt những biển báo cấm đổ rác và kết hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp đổ rác không đúng quy định để xử phạt, tránh hình thành những điểm tập kết rác phát sinh gây mất mỹ quan thành phố.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ dân có đăng ký thu gom rác trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện đạt 78% (số liệu tháng 7-2017). Như vậy, vẫn còn khoảng 22% hộ gia đình chưa thực hiện trách nhiệm đóng phí thu gom rác thải khiến một số điểm phát sinh rác tự phát. Thời gian qua chúng tôi đã kết hợp cùng các địa phương vận động các hộ dân còn lại đóng phí thu gom rác, nhưng kết quả chưa cao.

Bãi rác tự phát trên đường Huỳnh Văn Lũy (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) do người dân vô ý thức đem bỏ tại đây.
Bãi rác tự phát trên đường Huỳnh Văn Lũy (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) do người dân vô ý thức đem bỏ tại đây.

Vậy làm thế nào để hạn chế những bãi rác tự phát?

- Thực tế, rác thải sinh hoạt rất khó giải quyết đối với các khu vực dân cư tập trung, nhất là thành phố lớn đông dân cư, trong đó có Đồng Nai. Nếu từng người chấp hành nghiêm quy định về giữ vệ sinh môi trường thì chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể những bãi rác, ụ rác phát sinh thường xuyên.

Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thì việc tăng mức xử phạt để răn đe những người cố tình vi phạm là điều cần thiết. Thế nhưng, việc xử phạt người vi phạm cũng không phải dễ dàng, bởi hành động vi phạm như vứt rác ra đường thường diễn ra rất nhanh, khó bị bắt “quả tang”. Một số địa phương có tổ chức ra quân lập lại trật tự vệ sinh môi trường chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định, do vậy nâng cao ý thức của người dân, nhất là thiếu nhi, học sinh về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trong gia đình mình, xóm ấp, nơi công cộng là điều đáng lưu ý.

Biên Hòa đang hướng đến việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa là các địa phương phải đảm bảo không có rác thải phát sinh bừa bãi. Để làm được như thế thì từng phường, xã cần phải thực hiện những điều kiện gì, thưa bà?

- Theo tôi, lâu nay chính quyền địa phương chưa xử lý nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi. Theo Nghị định số 155/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt các hành vi làm tổn hại môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư như bỏ tàn thuốc lá, mẩu thuốc lá ở nơi công cộng bị xử phạt số tiền lên tới 1 triệu đồng; phóng uế không đúng quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng cũng bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Riêng hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng, mức phạt từ 5-7 triệu đồng...

Song song với biện pháp xử phạt nghiêm thì mỗi cán bộ, nhân viên tại các phường, xã phải làm gương trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, thể hiện ý thức bảo vệ môi trường thì người dân sẽ noi theo, lâu dần hình thành thói quen tốt trong một đô thị văn minh, hiện đại.

Xin cảm ơn bà!

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,876       11