Bạn đọc

Đô thị văn minh, cơ bản phải từ ý thức người dân

Mới đây, Thành ủy TP.Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết về xây dựng đô thị văn minh, an toàn (giai đoạn 2017-2020).

Ông Phạm Anh Dũng.
Ông Phạm Anh Dũng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho rằng xây dựng đô thị văn minh cơ bản phải từ ý thức của người dân.

Theo ông Dũng, thành phố xác định muốn xây dựng thành phố văn minh, an toàn thì mỗi công dân đều phải có ý thức trong việc chung tay làm cho thành phố sạch, đẹp hơn. 

 Thưa ông, Biên Hòa là đô thị loại I, l ra việc xây dựng đô thị văn minh phải có kế hoạch thực hiện từ lâu. Vậy đâu là những tồn tại, hạn chế đ đến bây giờ thành phố mới có chủ trương này?

- Trước khi ban hành nghị quyết về xây dựng TP.Biên Hòa trở thành đô thị văn minh, lãnh đạo thành phố đã có quá trình tập trung thực hiện quy chế về quản lý đô thị, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý quảng cáo trái phép, quản lý chặt chẽ về đất đai xây dựng... Trước đó thành phố cũng ban hành nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo quản lý đô thị từ năm 2016 do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

Song song đó là triển khai nhiều biện pháp tăng cường an ninh trật tự trên địa bàn, như: gắn camera giám sát an ninh; tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến tại 30 phường, xã... Trên cơ sở đó Thành ủy ra nghị quyết về xây dựng đô thị an ninh, an toàn; thực hiện có hiệu quả phong trào xanh, sạch, đẹp nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng đô thị văn minh đạt hiệu quả.

 Ông có nghĩ rằng yếu tố cơ bản của đời sống đô thị là giao tiếp ứng xử có văn hóa và giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, nhưng tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh; quảng cáo trái phép xuất hiện ở khắp nơi... làm xấu đi bộ mặt của thành ph. Vấn đề này có phải do các phường, xã chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ?

- Việc xây dựng đô thị văn minh không thể thực hiện một sớm một chiều mà là một quá trình lâu dài. Lãnh đạo thành phố xác định làm sao để nghị quyết xây dựng thành phố văn minh, an toàn đi vào cuộc sống thì ý thức từng người dân là yếu tố cơ bản.

Do đó, trước mắt thành phố sẽ tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng ứng xử của cư dân đô thị, phổ biến cho người dân các phường, xã để mọi người hiểu rằng xây dựng đô thị văn minh không là việc của một người mà phải được vun đắp từ suy nghĩ và hành động của tất cả các tầng lớp nhân dân. Thay vì trước đây xả rác bừa bãi, phóng uế lung tung, nói năng bất nhã, cư xử thiếu văn hóa, giao thông lộn xộn… thì nay mọi vấn đề này trong cuộc sống xã hội phải được thay đổi.

Ngoài ra, giao tiếp văn hóa, cư xử lịch thiệp... cũng có ý nghĩa lớn đối với một thành phố của hôm nay và mai sau. Tóm lại, mọi công dân không thể đứng ngoài cuộc trong việc chung tay góp sức xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, an toàn.

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của lãnh đạo các phường, xã trong công tác quản lý, điều hành hết sức quan trọng. Những địa phương nào không làm tốt nhiệm vụ, chắc chắn sẽ còn tồn tại những vi phạm về trật tự lòng lề đường, vỉa hè; rác thải không đúng chỗ...

Từ vấn đề này, lãnh đạo thành phố đã ghi nhận và đưa vào đánh giá xếp loại cuối năm. Sắp tới thành phố sẽ xây dựng hệ thống giám sát bằng flycam (quay camera trên không) trong quản lý xây dựng, an ninh trật tự. Trên cơ sở dữ liệu không ảnh có được để đối chiếu và xử lý trách nhiệm quản lý của từng địa phương trong các lĩnh vực liên quan làm căn cứ để đánh giá, xếp loại công chức.

Tình trạng quảng cáo sai quy định xuất hiện tràn lan đang làm xấu đi bộ mặt của thành phố. Ảnh: K.LIỄU
Tình trạng quảng cáo sai quy định xuất hiện tràn lan đang làm xấu đi bộ mặt của thành phố. Ảnh: K.LIỄU

 Đâu là những mục tiêu trong kế hoạch xây dựng TP.Biên Hòa cơ bản tr thành đô thị văn minh, an toàn, thưa ông?

- Mục tiêu tổng quát của TP.Biên Hòa là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong toàn thành phố; huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để xây dựng đô thị ngày một văn minh và an toàn. Qua đó, có 14 mục tiêu cụ thể được nêu lên để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành.

Trong đó, mục tiêu đưa chỉ tiêu phấn đấu đạt 100% gồm: giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn; không còn tình trạng các trường phải học ca ba; giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường; xử lý dứt điểm quảng cáo sai quy định; triển khai các điểm di tích và nơi sinh hoạt công cộng có nhà vệ sinh; xây dựng thành phố không rác thải; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,4%; các cơ sở, hộ kinh doanh đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm; các khu công nghiệp, cụm  công nghiệp tập trung đều có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; các phường, xã làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, không có người ăn xin...

 Thưa ông, Biên Hòa trở thành đô thị văn minh an toàn phải hội đủ những điều kiện nào?

- Bên cạnh việc phấn đấu đạt những mục tiêu trên, thành phố quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm từng bước cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Có nghĩa là phải nỗ lực hơn đối với kế hoạch xây dựng các tuyến đường sạch, đẹp, thông thoáng; phong cách ứng xử của người dân Biên Hòa từ ý nghĩ đến hành động đều thiết thực, phù hợp chứ không thể xô bồ, làm những chuyện thiếu ý thức, vô văn hóa. Người dân thành phố phải biết hổ thẹn khi ứng xử sai trái, không thân thiện với môi trường thì mới góp phần xây dựng Biên Hòa trở thành điểm đến lịch sự.

Song song với việc cải tạo xây dựng không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường xanh, sạch, đẹp, TP.Biên Hòa sẽ ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng môi trường giáo dục, y tế thân thiện, hiệu quả, an toàn và không gian văn hóa lành mạnh. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo chuyển biến tích cực trong việc hình thành nhân cách con người ở đô thị. Theo tôi, thực hiện được những việc trên thì TP.Biên Hòa đã hội đủ các điều kiện của một đô thị văn minh, hiện đại.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,930       341