Bạn đọc

Nhập nhằng bảo hiểm tai nạn học sinh

Cuộc sống đời thường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc không thể lường trước. Do đó, việc cha mẹ mua bảo hiểm tai nạn (BHTN) cho con là cần thiết. Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện, nhưng nhiều trường học ở TP.Biên Hòa đưa vào các khoản đóng của học sinh ngay đầu năm học.

Dù đã từ chối tham gia bảo hiểm tai nạn học sinh, nhưng chị Mai Thị Thư vẫn phải trả lời phiếu khảo sát về lý do không tham gia loại hình này (ảnh nhỏ).Ảnh: P.LIỄU
Dù đã từ chối tham gia bảo hiểm tai nạn học sinh, nhưng chị Mai Thị Thư vẫn phải trả lời phiếu khảo sát về lý do không tham gia loại hình này (Ảnh: P.LIỄU)

Nhiều phụ huynh tưởng BHTN là bắt buộc nên không thắc mắc gì khi đóng tiền mua cho con, trong khi không ai được tư vấn về quyền lợi cũng như nguyên tắc chi trả đối với các trường hợp tham gia.

* Tự nguyện hay bắt buộc?

Cuối tuần rồi, con gái chị Nguyễn Thị Thúy Nga (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) học lớp 8 tại một trường THCS ở Biên Hòa đưa cho mẹ danh sách các khoản tiền phải đóng đầu năm, trong đó có phí bảo hiểm y tế và BHTN.

Chị Nga hỏi BHTN là tự nguyện hay bắt buộc, con gái liền đáp: “Con không biết. Trên lớp cô chủ nhiệm cho ghi những khoản này vào vở, rồi nói về nhắc cha mẹ đóng”. Tìm hiểu, chị Nga mới biết BHTN là tự nguyện.

5 năm liền, chị Mai Thị Thư (ngụ phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) đều tham gia BHTN học sinh cho con. Năm nay chị cho biết không mua bảo hiểm này nữa, vì hè rồi con chị bị tai nạn giao thông gãy chân, gia đình liên lạc đến số điện thoại ghi trên thẻ thì được trả lời thời hạn tham gia bảo hiểm của con chị đã hết nên không được thanh toán.

Theo chị Thư, do mua BHTN tại lớp nên chị không được ai tư vấn về các quy định, thời hạn hợp đồng còn hiệu lực. Mặc dù năm nay không mua BHTN cho con, nhưng chị Thư vẫn phải trả lời phiếu khảo sát của đơn vị bảo hiểm về lý do không tham gia BHTN từ cô giáo chủ nhiệm phát về.

Mức đóng 150 ngàn đồng/học sinh/năm đối với BHTN không phải quá lớn, tuy nhiên việc đưa bảo hiểm tự nguyện vào trường bán như hình thức bắt buộc (tương tự bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai) đã khiến không ít phụ huynh cảm thấy khó xử. Có người phàn nàn nếu không đóng cho con thì ngại với cô giáo, còn nếu mua thì chẳng được tư vấn để hiểu quyền lợi của người tham gia.

Nhiều phụ huynh cho rằng đã là bảo hiểm tự nguyện thì phải được nhân viên bảo hiểm trực tiếp giải thích cho người tham gia về quyền lợi, nghĩa vụ và những nguyên tắc chi trả khi người tham gia BHTN gặp rủi ro. Nhà trường không nên làm trung gian cho việc bán - mua có phần nhập nhằng này.

* Đã cấm, còn triển khai trong trường

Học sinh mua bảo hiểm tai nạn là cần thiết, nhưng khi tham gia cần được đơn vị kinh doanh bảo hiểm tư vấn rõ ràng về quyền lợi và cách thức chi trả khi gặp sự cố. (ảnh minh họa: một học sinh bị tai nạn giao thông gãy chân đang điều trị tại bệnh viện - ảnh lớn).
Học sinh mua bảo hiểm tai nạn là cần thiết, nhưng khi tham gia cần được đơn vị kinh doanh bảo hiểm tư vấn rõ ràng về quyền lợi và cách thức chi trả khi gặp sự cố (ảnh minh họa: một học sinh bị tai nạn giao thông gãy chân đang điều trị tại bệnh viện).

Thực tế, việc bán BHTN học sinh tại các trường lâu nay được ban giám hiệu “bật đèn xanh” để giáo viên hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện dưới hình thức “thu hộ”.

Một giáo viên THCS cho biết tham gia bán BHTN học sinh thì nhà trường và giáo viên đều được đơn vị kinh doanh bảo hiểm trích huê hồng từ 10-30%. Khi đời sống giáo viên còn khó khăn mà có được thêm khoản tiền cũng tốt, nhưng nhiều giáo viên cho biết rất ngại nhận khoản này.

Đáng nói là mỗi lần nghe phụ huynh hỏi quyền lợi, cách thức chi trả BHTN cho các trường hợp bị tai nạn, các thầy cô đều ú ớ không biết trả lời sao. Vì khi nhận “nhiệm vụ” này, giáo viên không được “tập huấn” chuyên môn nên không có nghiệp vụ về bảo hiểm để giải thích tường tận cho khách hàng được.

“Theo tôi, ban giám hiệu chỉ nên tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh bảo hiểm đến trường vào ngày họp phụ huynh đầu năm để giới thiệu, tư vấn BHTN học sinh. Phụ huynh nào thấy cần thiết thì tham gia, chứ nhập nhằng giữa tự nguyện và bắt buộc xem ra không ổn” - vị này nói.

Trao đổi về tình trạng nhiều trường “bán hộ” BHTN học sinh cho các doanh nghiệp bảo hiểm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết đầu năm học phụ huynh phải lo rất nhiều khoản tiền, nhất là năm nay phí bảo hiểm y tế tăng.

Do đó, việc một số trường thu thêm BHTN như một khoản đóng chính thức là sai với quy định của Bộ  GD-ĐT. BHTN chỉ là tự nguyện, phụ huynh có nhu cầu sẽ tự tìm hiểu và tham gia, các trường không có trách nhiệm “làm trung gian” cho đơn vị kinh doanh bảo hiểm.

Vì vậy, theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT, trong văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đối với học sinh năm học 2017-2018, sở yêu cầu nhà trường không được thu thêm những khoản ngoài quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó có bảo hiểm tự nguyện dưới bất kỳ hình thức nào.

Ông Nguyễn Văn Chuông, Phó chánh văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết: “Nhiều trường học vì được trích huê hồng khá cao nên đã đưa BHTN học sinh vào danh mục các khoản chi đầu năm học như bảo hiểm bắt buộc. Điều đó góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Nếu nhà trường không rõ ràng 2 loại bảo hiểm này, người thiệt thòi chính là các em học sinh”.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        158,010       365