Bạn đọc

Mô hình trường học mới giúp học sinh phát triển tốt các kỹ năng

Mô hình trường học mới Việt Nam (gọi tắt là VNEN) được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm tại các địa phương trong cả nước từ năm 2012. Gần đây, có một số trường học đề nghị dừng thực hiện mô hình này đã tạo làn sóng dư luận trái chiều cũng như tâm lý hoang mang cho phụ huynh có con đang theo học VNEN.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về lĩnh vực này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch đánh giá:

- Sau 6 năm thực hiện thí điểm trên toàn tỉnh, năm học 2016-2017 có 40 trường với gần 15,8 ngàn học sinh tiểu học và THCS tham gia học theo mô hình VNEN. Trong đó, 27 trường thực hiện trên cơ sở của dự án và 13 trường thực hiện nhân rộng. Một số phòng GD-ĐT đã triển khai tốt và đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, như: Long Thành, Nhơn Trạch… với lượng học sinh theo học và số giáo viên tham gia giảng dạy tăng theo từng năm.

Qua các đợt khảo sát và kiểm tra ở nhiều đơn vị triển khai mô hình VNEN, chúng tôi nhận thấy phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ những mặt tích cực của phương pháp đào tạo VNEN; vận dụng hiệu quả trong quá trình dạy và học. Đặc biệt là sự phối kết hợp tốt giữa phụ huynh với nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện tư cách, tác phong cho học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học.

Hiện nay, một số địa phương trong nước từ chối thực nghiệm mô hình VNEN do phụ huynh cũng như giáo viên không đồng tình. Đồng Nai thì sao, thưa ông?

Tiếp tục thực hiện mô hình VNEN

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2017-2018 Đồng Nai tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (gọi tắt là VNEN). Toàn tỉnh có 15 trường tiểu học tham gia dự án mô hình VNEN ngay từ đầu, sau đó tiếp tục có thêm 17 trường tiểu học thực hiện nhân rộng. Toàn tỉnh có 12 trường THCS thực hiện theo mô hình VNEN.                      

Thành Nam

- Tôi khẳng định Đồng Nai vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động dạy và học theo mô hình thí điểm VNEN. Thời gian qua chúng tôi nhận được một số ý kiến về mô hình giảng dạy này. Đáng kể là một địa phương xin thôi thực hiện VNEN vì còn gặp nhiều khó khăn và chúng tôi chấp nhận. Quan điểm của sở là không ép buộc, mà luôn khuyến khích các địa phương tham gia và nhân rộng thêm. Bởi theo đánh giá, mô hình này có nhiều ưu điểm, phát huy hiệu quả cả về dạy và học đối với giáo viên và học sinh.

Thực tế, bất cứ một mô hình mới nào trong quá trình thực hiện đều phát sinh những mặt được và chưa được, dẫn đến những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta dừng hoạt động này lại mà cần phải lắng nghe, ghi nhận để khắc phục những vấn đề còn tồn tại nhằm khắc phục để những năm học sau tốt hơn.

Do đó, để việc thực hiện tốt hơn mô hình VNEN thì vấn đề đầu tiên là bản thân giáo viên, cán bộ quản lý phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức đầy đủ loại hình này.

Theo ông, cách áp dụng mô hình VNEN có phù hợp với đặc thù giáo dục ở Việt Nam?

Học sinh một lớp VNEN ở TP.Biên Hòa trong giờ thực hành. Ảnh: M.QUÂN
Học sinh một lớp VNEN ở TP.Biên Hòa trong giờ thực hành. Ảnh: M.QUÂN

- Thực ra mô hình VNEN chỉ là thay đổi phương pháp dạy và học, còn nội dung hay chương trình giảng dạy vẫn theo sách giáo khoa. Học sinh học VNEN có thể thực hành ngay tại lớp với những bài cụ thể rất sinh động; có thể chủ động cho bài làm của mình đạt tốt hơn. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy truyền thống thường xuất hiện nhiều học sinh đạt điểm cao các môn lý thuyết, nhưng khi đi vào thực tế thì các em lúng túng, không biết làm như thế nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phương pháp dạy cũ nghiêng về lý thuyết nhiều hơn. Tôi cho rằng phương pháp học mới giúp học sinh tích cực trong việc tìm tòi, sáng tạo. để mô hình này đạt hiệu quả tốt hơn, cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách cần thay đổi tư duy về cách dạy và học, đồng thời có những vận dụng phù hợp với từng đối tượng ở từng vùng miền.

Thời gian gần đây, một số địa phương trên cả nước có giáo viên, phụ huynh không đồng tình với mô hình VNEN. Nguyên nhân là sĩ số học sinh trên lớp quá đông, cơ sở vật chất không bảo đảm, sách giáo khoa còn hạn chế… Tuy nhiên theo tôi, những nhận định này chưa chính xác, nhất là sách giáo khoa thuộc dạng hướng dẫn, tham khảo nhưng nội dung không khác với sách giáo khoa hiện hành. Nếu giáo viên chịu khó nghiên cứu và tham khảo phương pháp giảng dạy trong 1-2  năm đầu thì sẽ quen với cách soạn giáo án cho từng môn.

Ông có thể đánh giá về năng lực học tập và kỹ năng mềm của học sinh theo mô hình VNEN, kể cả phương pháp dạy của giáo viên có đáp ứng yêu cầu?

- Khi đi dự tiết học tại các lớp VNEN, tôi thấy phần lớn học sinh có khả năng tự thiết kế giờ học. Nhiều em đã có thói quen chuẩn bị bài trước giờ lên lớp, đồng thời thể hiện tìm tòi, thảo luận với các bạn để tìm ra những câu trả lời, đáp án đúng cho bài học. Bên cạnh đó, khả năng tự quản của học sinh rất cao. Đặc biệt, những em học yếu đều được từ bạn bè và thầy cô quan tâm, giúp đỡ chứ không phải bị “bỏ rơi” như lo lắng của một số phụ huynh phản ảnh.

Còn đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo bài bản. Vấn đề ở đây là giáo viên cần phải thay đổi tư duy giảng dạy để phát huy hiệu quả từ phương pháp giáo dục mới. Giáo viên không nên áp dụng máy móc mà phải áp dụng từng phần, sáng tạo trong cách giảng dạy. Tồn tại hiện nay là vẫn còn một số giáo viên ngại khó, không đặt hết trách nhiệm, tâm huyết của mình vào giáo trình dạy nên chưa phát huy hết thế mạnh của mô hình này.

 Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,927       474