Bạn đọc

Khoe con trên mạng, coi chừng bị phạt

Theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP, từ ngày 1-7 cha mẹ hoặc người liên quan đưa hình ảnh, thông tin về tình trạng sức khỏe, kết quả học tập và các vấn đề… thuộc bí mật đời tư của trẻ lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) sẽ bị… phạt.

Theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP, từ ngày 1-7 cha mẹ hoặc người liên quan đưa hình ảnh, thông tin về tình trạng sức khỏe, kết quả học tập và các vấn đề… thuộc bí mật đời tư của trẻ lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) sẽ bị… phạt.

Từ ngày 1-7 tới, khi đưa bảng điểm kết quả học tập của con sẽ là vi phạm pháp luật.
Từ ngày 1-7 tới, khi đưa bảng điểm kết quả học tập của con sẽ là vi phạm pháp luật.

Quy định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ với lý do cần siết chặt để bảo vệ trẻ; người phản đối thì cho rằng nội dung này vừa thiếu thực tế lại không khả thi. Bởi trong bối cảnh mạng xã hội đang được sử dụng rộng rãi thì đây cũng được xem là kênh thông tin để trao đổi.

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em. (trích Điều 33, Chương IV Luật Trẻ em)

* Thú vui… khoe con

Nhờ có điện thoại thông minh, mạng internet - đặc biệt là wifi - phủ sóng rộng khắp nên nhiều cha mẹ đã lấy hình ảnh của con để khoe trên mạng làm vui. Lâu nay, mở trang facebook cá nhân nào, không khó để bắt gặp những hình ảnh dễ thương, clip hát múa, bảng điểm cuối năm hay những trang viết, hình vẽ ngộ nghĩnh của trẻ được đăng tải trên facebook cá nhân và nhận được rất nhiều bình luận, chia sẻ khác nhau.

Facebook cá nhân G.H ở Biên Hòa hầu như được “chăm bẵm” khá kỹ bởi tần suất đăng tải dày đặc những dòng trạng thái, hình ảnh, thông tin liên quan đến 2 con gái 6 tuổi và 9 tuổi khá dễ thương. Trong đó nhiều ảnh từ khi các bé còn nhỏ, đến mọi khoảnh khắc khi đã lớn; ảnh chụp ở trường, danh hiệu đạt được, bài văn, bài toán được điểm cao đến những câu nói hóm hỉnh… được đưa lên hết. Thỉnh thoảng chị này còn tự tạo cảnh chụp ảnh con, sau đó đăng lên và chờ người like (thích) hay comment (bình luận) của người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.

Khoe con là điều dễ thấy trên nhiều trang facebook cá nhân hiện nay.
Khoe con là điều dễ thấy trên nhiều trang facebook cá nhân hiện nay.

Trao đổi với một chủ nhân trang cá nhân về việc “chăm chỉ” khoe con trên mạng, người này cho biết chị không đi làm mà ở nhà chăm sóc con cái. Vì vậy, khi rảnh rỗi là chị lướt “phây” cho đỡ buồn, đồng thời để ông bà nội, ngoại ở xa biết về cuộc sống của gia đình mình.

Có thể nói, chuyện khoe con với người khác vốn là thói quen của nhiều người Việt Nam lâu nay. Khi thời đại bùng nổ thông tin, lại thêm thiết bị thông minh, mạng internet phổ biến, đặc biệt có mạng xã hội facebook làm công cụ nên việc khoe con của nhiều người đi xa hơn, rộng hơn. Nếu việc cha mẹ đưa lên một vài hình ảnh, khoảnh khắc vui nhộn, dễ thương của con thì không sao, đằng này lại có những dòng trạng thái đăng tải gây bất bình cho người xem cũng như không phải hoàn toàn vô hại với trẻ. Chẳng hạn, trang facebook của một người cha tên T.M đăng tải khá nhiều clip hát hò của cậu con trai 5 tuổi. Trong số ấy có clip cậu bé mặc mỗi chiếc quần chip, đứng trước màn hình karaoke cố sức gào bài hát bằng tiếng Việt chưa chuẩn: “…Trả hết, trả hết cho người, trả luôn mắt môi nụ cười, trả xong đời còn hư vô…” trong tiếng vỗ tay tán thưởng rần rần của người lớn.

* Không phải là… vô hại

Theo LS. Ngô Văn Định (Hội Luật gia Đồng Nai), trước khi đưa hình ảnh, thông tin, kết quả học tập của con lên mạng, phụ huynh cần suy nghĩ mục đích đưa lên để làm gì, tác động của nó thế nào đối với trẻ, ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến nhận thức và sự phát triển của trẻ… Bởi nếu không khéo sẽ khiến trẻ ảo tưởng, tự cao, kiêu căng về bản thân (đẹp, giỏi giang, có năng khiếu…). Đặc biệt một khi gặp chuyện không may, như: lỡ mất đi vẻ đẹp, thi rớt hay bị một biến cố gì đó trẻ rất dễ bị suy sụp. Còn nếu cha mẹ lấy việc đưa hình ảnh con lên mạng làm thú vui, thì những chia sẻ ấy là không an toàn cho trẻ, vì tội phạm công nghệ cao đang phát triển với những hoạt động tinh vi. Ngoài ra, có những lúc chính cha mẹ gặp chuyện bực mình khi nhận được những bình luận không hay, không đúng ý về con mình…

Ngày 1-7 tới đây, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ: khi đăng tải hình ảnh, thông tin bí mật về đời tư của trẻ (từ 7 tuổi trở lên), như: tên tuổi, đặc điểm nhân dạng, thông tin về kết quả học tập… của trẻ lên mạng xã hội khi chưa được phép của đối tượng này không chỉ là phạm luật, mà còn gây rắc rối cho các cháu.

Trò chuyện với N.Q.Tr., học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Hưng Đạo, em cho biết mình là con một trong gia đình nên mọi chuyện liên quan đến cá nhân, như: học hành, vui chơi, sinh hoạt đều trở thành đề tài của mẹ trên mạng xã hội. Tr. kể, cuối năm lớp 7 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, đứng nhì lớp. Ngay tại buổi họp phụ huynh, mẹ đã “post” bảng điểm của em lên facebook. Có một số phụ huynh trong lớp xem rồi so sánh với con mình. Hôm sau lên lớp, một số  bạn không những “nghỉ chơi” với Tr. mà còn xỏ xiên là “con người ta giỏi, người ta khoe điểm trên “phây”, còn mình học ngu thì bị chửi thôi”. Tr. nói thêm: “Con không thích người lớn đưa tụi con lên facebook. Con có trang riêng, nếu con cần đưa gì thì tự mình đưa lên, không cần cha mẹ quá quan tâm như vậy”.

Trao đổi về quy định này, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết luật quy định là có lý do. Bởi lâu nay, khi mạng xã hội phổ biến, nhiều người đã vô tư đưa hình ảnh, thông tin của trẻ em lên mạng và xem đó như một niềm vui. Nhưng chính việc này vô tình đã tạo điều kiện cho kẻ xấu nắm được nhiều thông tin cá nhân của các em để lợi dụng, dẫn dắt trẻ vào những việc làm xấu hoặc bắt cóc trẻ. Do đó, Luật Trẻ em bổ sung nội dung này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ, được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển trong xã hội hiện đại; tạo hành lang bảo vệ trẻ em một cách toàn diện trước nguy cơ bị xâm hại về đời tư.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,502       644