Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường xuống cấp, không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây mất an toàn giao thông đối với các phương tiện...
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về kế hoạch duy tu, nâng cấp những tuyến đường “da beo” (Báo Đồng Nai số 3210, ra ngày 17-6 đã phản ảnh), Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết:
- Theo phân cấp, các tuyến đường ở địa bàn nào thì việc quản lý, duy tu, sửa chữa thuộc trách nhiệm địa phương đó. Riêng các tuyến đường tỉnh do Khu Quản lý đường bộ, đường thủy (trực thuộc Sở Giao thông - vận tải) giám sát, kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa thường xuyên. Hàng năm, sở đều đôn đốc các địa phương lập phương án duy tu, sửa chữa những tuyến đường xuống cấp để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Thưa ông, người dân cho rằng đường 762 là “con đường đường đau khổ” bậc nhất Đông Nam bộ. ông giải thích sao về vấn đề này?
- Thực tế đã có sự nhầm lẫn trong thông tin khi cho rằng tuyến 762 là đường tỉnh. Thực tế đây không phải là đường tỉnh mà là đường Trảng Bom - Cây Gáo do huyện quản lý. Đường này dài hơn 20km có điểm đầu giao với quốc lộ 20 và điểm cuối giao với đường Nguyễn Tất Thành (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Mặt đường trước đây được bê tông nhựa nóng, nhưng trong quá trình sử dụng đã xuống cấp. Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều đoạn đường bị đọng nước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. UBND tỉnh đã đề nghị huyện Trảng Bom tiến hành duy tu, sửa chữa con đường, đồng thời tỉnh cũng có văn bản kêu gọi nhà đầu tư nâng cấp tuyến đường trên theo hình thức BOT. Hiện Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO đang lập hồ sơ dự án đầu tư. Sắp tới, tuyến đường này sẽ được mở rộng nền đường lên 9m, mặt đường 7m.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều tuyến đường “da beo” do xuống cấp nghiêm trọng. Vậy ngành giao thông - vận tải đã có phương án gì để khắc phục, thưa ông?
- Song song với việc kiểm tra, ngành đã đôn đốc các địa phương tiến hành duy tu, sửa chữa tuyến đường huyện quản lý để đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông được an toàn. Đối với đường tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị chức năng đã thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên trên tất cả 20 tuyến với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng. Theo đó, tiến hành xử lý hơn 80 ngàn m2 mặt đường bị sình, lún bằng đá 4x6, vá nhiều đoạn bị ổ gà bằng bê tông nhựa; sơn vạch phân tuyến, gờ giảm tốc, vạch tim đường các tuyến 767 (thuộc huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom), và tuyến 769 (Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất)… Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, ngành đã tích cực phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc hỗ trợ chủ đầu tư các dự án có vốn trung ương, dự án PPP (Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện); các dự án giao thông tỉnh, huyện để kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình.
Đường Trảng Bom - Cây Gáo thuộc huyện Trảng Bom (không phải đường tỉnh 762) đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. |
Bên cạnh đó, ngành còn tham mưu UBND tỉnh góp ý cho hồ sơ, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường nối cầu Bửu Hòa đi quốc lộ 1K, điều chỉnh báo cáo dự án BOT đường tỉnh 768… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ khắc phục những đoạn đường hư hỏng nhằm đảm bảo cho các phương tiện đi lại an toàn, nhất là trong mùa mưa này.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kêu gọi nguồn vốn đầu tư phát triển về giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Từ nay đến cuối năm sẽ có những dự án giao thông nào được thực hiện theo loại hình này, thưa ông?
- Về quản lý đầu tư xây dựng các dự án giao thông, từ nay đến cuối năm 2017 ngành tiếp tục phối hợp các ngành chức năng thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, gồm: đường 319 nối ra đường cao tốc TP.Hố Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; dự án BOT đường tỉnh 768; phối hợp với các ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nút giao thông ngã tư Tân Phong, đường 25B...
Hiện sở đang tiến hành các thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đường nối cầu Bửu Hòa ra quốc lộ 1K, dự kiến khởi công trong năm nay. Còn dự án hương lộ 10, đoạn từ trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến quốc lộ 1 (huyện Xuân Lộc), sở đang cùng chủ đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Riêng dự án hương lộ 2 chia làm 2 đoạn: đoạn 1 từ điểm giao quốc lộ 51 đến khu đô thị Long Hưng thì TP.Biên Hòa đang chỉnh hồ sơ đề xuất dự án; đoạn 2 đi qua sân Golf Long Thành và khu đô thị Amata Express đang được nhà đầu tư tiến hành lập hồ sơ, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án giao thông lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương đang triển khai, như: dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn đang thi công cầu Phước Khánh và đường dẫn vào phía Đồng Nai, đồng thời tiến hành thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc công trình này. Đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sở đang triển khai thống nhất hướng tuyến, quy mô vị trí các điểm giao cắt với đường địa phương; dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây dự kiến thi công hoàn tất trong tháng 3-2018. Riêng dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đang thực hiện góp ý báo cáo nghiên cứu khả thi. |
Gia An (thực hiện)