Bạn đọc

Tàu du lịch đường sắt như... tàu chợ!

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ, những năm gần đây ngành đường sắt mở tuyến tàu Sài Gòn - Phan Thiết được nhiều người chọn làm phương tiện đi du lịch...

Hành khách trên tàu SPT4 trong chuyến đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Phan Thiết ngày 1-6 (ảnh minh họa).
Hành khách trên tàu SPT4 trong chuyến đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Phan Thiết ngày 1-6 (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, sau khi thực nghiệm vài chuyến đi, không ít hành khách phàn nàn về chất lượng trên tàu, như: máy điều hòa, nhà vệ sinh...

* Nóng và dơ

Tàu du lịch tuyến Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại có số hiệu SPT1 và SPT2 được ngành đường sắt đưa vào hoạt động từ năm 2015, mỗi ngày có 1 chuyến. Vào các dịp hè, lễ, tết, ngành đường sắt tăng cường thêm chuyến tàu SPT3 và SPT4 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Phần lớn hành khách đi các chuyến tàu này là khách du lịch. Do có dừng tại Ga Biên Hòa nên khá nhiều người dân địa phương chọn phương tiện này để đi khi có nhu cầu.

Anh Bùi Khánh Long (ngụ KP.3, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vừa kết thúc chuyến du lịch Phan Thiết cùng gia đình trong tâm trạng không mấy vui, vì cả lượt đi và về bằng phương tiện tàu hỏa đều gặp sự cố.

Anh Long cho biết gia đình đăng ký mua vé tàu khứ hồi loại ghế ngồi mềm trong phòng có máy điều hòa từ Biên Hòa đi Phan Thiết và ngược lại. Trong lượt đi Phan Thiết ngày 1-6, Ga Biên Hòa có khá nhiều hành khách lên tàu. Khoảng 8 giờ 10 phút, tàu SPT4 từ TP.Hồ Chí Minh dừng tại Ga Biên Hòa đón khách. Anh Long và những người trong gia đình được xếp ngồi tại toa số 7. Tuy nhiên, khi yên vị tại ghế của mình thì phát hiện máy lạnh khu vực người nhà anh ngồi hầu như không hoạt động khiến không khí ngột ngạt khá khó chịu, các con anh uể oải vì nóng bức. Anh Long kiến nghị nhân viên trên tàu kiểm tra khắc phục sự cố nhưng sau đó tình hình vẫn không được cải thiện. Do không có điều hòa nên nhân viên tàu đã mở cửa sổ khu vực gia đình anh Long ngồi để lấy gió từ ngoài vào. Tuy có không khí, nhưng tiếng tàu ồn ào và thời tiết nắng nóng đã khiến cho hành khách trong toa đều mệt mỏi.

Nghĩ rằng sau chuyến tàu đó ngành đường sắt sẽ khắc phục sự cố, nhưng 3 ngày sau khi gia đình anh Long đi chuyến khứ hồi về Biên Hòa, cũng được sắp xếp ở vị trí như lần đi và máy lạnh cũng chưa được sửa chữa. Bức xúc vì sự chậm chạp của đơn vị chủ quản, anh Long phàn nàn với nhân viên phục vụ, sau đó gia đình anh được chuyển đến toa khác có máy điều hòa. Song, tại toa mới cả 2 nhà vệ sinh ở 2 đầu toa đều không sử dụng được vì không có nước, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi đi “trút bầu tâm sự” ở toa kế bên cũng chỉ khá hơn chút ít, nhiều hành khách phải khổ sở đi tìm chỗ vệ sinh đàng hoàng hơn, hoặc phải… nín.


Liên hệ với Ga Biên Hòa, phóng viên Báo Đồng Nai được lãnh đạo ở đây trả lời báo cứ nêu hiện trạng của tuyến tàu du lịch Sài Gòn - Phan Thiết. Sau đó, căn cứ vào thông tin ngành đường sắt sẽ trả lời bằng văn bản, vì Ga Biên Hòa chỉ bán vé đón trả khách chứ không tổ chức các tuyến tàu nên không quản lý và trả lời về dịch vụ hành khách trên tàu được.

* Dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu

Đó là ý kiến của khá nhiều người khi nói về chất lượng dịch vụ trên các tuyến tàu hỏa. Bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chia sẻ cũng đã đi Phan Thiết bằng tàu hỏa từ Ga Biên Hòa. Trong lần đi ấy, theo lịch trình khoảng 11 giờ tàu sẽ đến Ga Phan Thiết. Tuy nhiên, trên đường đi tàu dừng lại khoảng 1 giờ đồng hồ song hành khách không được nhân viên thông báo rõ lý do về thời gian cũng như địa điểm dừng tàu khiến nhiều người bức xúc.

Theo bà Nhung, ngành đường sắt cần thay đổi nhiều hơn nữa về chất lượng phục vụ, nhất là thái độ của nhân viên cần vui vẻ, lịch sự và trách nhiệm hơn. Trong hành trình đi Phan Thiết, không chỉ bà Nhung mà một số người khác muốn tìm nhân viên phải đi mấy toa mới gặp được. “Riêng nhà vệ sinh thì khỏi nói, bẩn kinh khủng. Những năm gần đây, nhiều người đi xa hay chọn phương tiện đi tàu hỏa nhưng với kiểu phục vụ này thì hành khách dần sẽ “good bye” tàu hỏa thôi, vì máy bay giá rẻ giờ cũng nhiều và dễ mua. Tôi nghĩ rằng ngành đường sắt cần có sự thay đổi tích cực hơn, đặc biệt là nâng cao chất lượng phục vụ thì mới đáp ứng nhu cầu của hành khách ngày càng trở nên khó tính” - bà Nhung bộc bạch.

Theo đánh giá của nhiều người, tàu hỏa vẫn là phương tiện đi lại an toàn, tiết kiệm, nhất là vào dịp lễ, tết. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét dù đã có thay đổi tương đối về tàu chất lượng cũng như phong cách phục vụ, nhưng xem ra vẫn chưa đủ khi mà các loại hình vận tải khác, như: hàng không, xe khách chất lượng cao với cung cách phục vụ chuyên nghiệp đang ngày càng thu hút hành khách tốt hơn.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        118,079       46