Bạn đọc

Đổ xô đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu non

Lo sợ thiệt thòi khi nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018, thời gian gần đây nhiều người đổ xô đi giám định y khoa, xin được "mất sức" để nghỉ hưu non.

 Lo sợ thiệt thòi khi nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018, thời gian gần đây nhiều người đổ xô đi giám định y khoa, xin được “mất sức” để nghỉ hưu non.

Bác sĩ Đinh Đình Tấn khám bệnh cho người đi giám định y khoa để xin nghỉ hưu trước tuổi.
Bác sĩ Đinh Đình Tấn khám bệnh cho người đi giám định y khoa để xin nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định mới, từ năm 2017, để được hưởng 75% mức lương hưu như hiện hành, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 30 năm, nam đủ 35 năm (tăng thêm 5 năm so với trước đây).

* Tình nguyện… mất sức

Lê Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh, khuyến cáo người lao động cần cân nhắc việc nghỉ hưu sớm. Bởi không phải trường hợp nào nghỉ hưu sớm cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu đúng tuổi. Hiện nay nhiều người do thiếu hiểu biết về Luật BHXH, chưa được tư vấn thấu đáo đã đổ xô đi giám định y khoa để được nghỉ hưu non có thể sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm giám định y khoa (GĐYK) tỉnh tiếp nhận hàng trăm hồ sơ xin giám định sức khỏe để bổ sung hồ sơ xin nghỉ hưu trước tuổi.

Phần lớn người đến giám định là nữ. Nhiều người trong số này chỉ khoảng 50 tuổi cũng “xin được” mất sức.

Chị Lê Kim Hạnh, công chức ngành văn hóa, mới 49 tuổi nhưng vẫn quyết định nghỉ hưu. Theo chị Hạnh, độ tuổi này sức khỏe chưa đến nỗi tệ nhưng sang năm 2018 thì chính sách lương hưu sẽ thay đổi nên chị quyết định nghỉ. Bởi nếu nghỉ đúng tuổi, chị phải đóng thêm 11 năm nữa mới đủ điều kiện hưởng 75% lương hưu theo quy định mới.

Tương tự, bà Phạm Thị Thanh, 53 tuổi, điều dưỡng của một bệnh viện, phân tích được - mất trong trường hợp của mình: “Tính đến nay, tôi đóng BHXH được 25 năm, đủ điều kiện hưởng 75% lương hưu. Nếu tôi nghỉ hưu đúng tuổi (55 tuổi) vào năm 2019 thì tôi mới được 27 năm công tác, trong khi quy định mới được áp dụng từ năm 2018, nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH tức tôi phải đóng thêm 3 năm nữa. Trước áp lực này, tôi quyết định xin nghỉ việc sớm” - bà Thanh bộc bạch.

Ông Phan Văn Sơn (57 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chụp CT Scanner trong quá trình giám định y khoa để nghỉ hưu non.
Ông Phan Văn Sơn (57 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chụp CT Scanner trong quá trình giám định y khoa để nghỉ hưu non.

Một số người lao động đang chờ giám định sức khỏe cũng cho rằng chính sách lương hưu thay đổi sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHXH.


Theo công văn số 4644/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam về thanh toán phí giám định y khoa, ngoài phí giám định bắt buộc (1.150.000 đồng/lần) thì chi phí khám bệnh khác nếu người lao động được chứng nhận mất sức, sẽ được BHXH địa phương thanh toán các chi phí này; còn những trường hợp vẫn còn sức khỏe lao động sẽ không được BHXH thanh toán những chi phí đã nộp. Theo đó, các chi phí khám và làm kỹ thuật cận lâm sàng, như: xét nghiệm, chiếu chụp, đo cơ… thì người đi giám định phải nộp 100%. Phí ấy có được thanh toán BHYT hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khoản chi phí mỗi lần giám định ở mỗi người ít nhiều khác nhau, tùy thuộc vào việc chỉ định của bác sĩ về xét nghiệm, chụp MRI, CT Scanner, X.quang, đo điện cơ…

* Không dễ được… mất sức

Vấn đề tăng thời gian tham gia BHXH thêm 5 năm để được hưởng 75% lương hưu theo Luật BHXH năm 2014 sửa đổi đang khiến nhiều người lo lắng. Không ít người tìm mọi cách để được về hưu trước thời điểm năm 2018 nhằm được hưởng chế độ lương hưu cũ.

Theo quy định, để được nghỉ hưu trước tuổi, người lao động phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể, mất sức lao động từ 61% trở lên.

Nhận định về tình hình gia tăng số người xin giám định y khoa diện xin nghỉ hưu trước tuổi, ông Đinh Đình Tấn, Phó giám đốc Trung tâm giám định y khoa tỉnh, cho biết thời gian qua số người đến giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu sớm có tăng đáng kể.

Tuy nhiên, để được cấp giấy chứng nhận không còn đủ điều kiện tiếp tục lao động, cần phải theo một quy trình khám tổng quát, sàng lọc kỹ lưỡng nên không phải ai muốn “mất sức“ cũng được.

Theo ông Tấn, trước hết trung tâm sẽ giám định những bệnh mà người lao động khai. Nếu có bệnh án thì sẽ xem xét trên hồ sơ bệnh án; không có bệnh án bác sĩ sẽ tiến hành khám trực tiếp. Việc khám bệnh cho đối tượng này được thực hiện bởi những bác sĩ giám định viên do Sở Y tế quy định.

Để đánh giá đúng tỷ lệ mất sức của người lao động, trung tâm còn cho tiến hành kiểm tra cận lâm sàng, như: xét nghiệm, chiếu chụp X.quang… Dựa trên những kết luận này, tập thể Hội đồng Giám định y khoa sẽ xem xét mức độ tổn thương, mất sức của người xin giám định rồi mới quyết định cấp giấy chứng nhận hay không.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,601       814