Bạn đọc

Hẻm nhỏ và nỗi lo "bà hỏa"

Đường giao thông nội bộ loằng ngoằng, dây điện giăng mắc không an toàn, nhà không có lối thoát hiểm, hẻm không có đường vào cứu hỏa… khiến nhiều gia đình sống trong các khu dân cư chật hẹp nơm nớp lo sợ "bà hỏa" viếng.

Đường giao thông nội bộ loằng ngoằng, dây điện giăng mắc không an toàn, nhà không có lối thoát hiểm, hẻm không có đường vào cứu hỏa… khiến nhiều gia đình sống trong các khu dân cư chật hẹp nơm nớp lo sợ “bà hỏa” viếng.

Đường hẻm đã chật, nhưng hộ dân còn đặt cây kiểng lấn chiếm không gian chung.
Đường hẻm đã chật, nhưng hộ dân còn đặt cây kiểng lấn chiếm không gian chung.

Do nhà cửa chật hẹp, nhiều gia đình đã tận dụng từng tấc đất nhà và hẻm chung để đặt vật dụng sinh hoạt, thậm chí đặt bếp nấu nướng ngay dưới lòng hẻm khiến lối đi chung càng bị thu hẹp.

Sống trong sợ hãi…

Đường nội bộ ở khu dân cư phía sau khách sạn Vĩnh An (thuộc KP.4, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) được cư dân địa phương ví như một mê cung. Bởi khu vực này có những con hẻm loằng ngoằng mà nhiều đoạn rất nhỏ, chỉ đủ 2 người đi bộ tránh nhau. Mỗi lần xe máy qua lại phải luồn lách trong nhiều khúc cua cùi chỏ một cách khó khăn. Phần lớn người dân sống ở khu vực này đều nghèo nên nhà cửa lụp xụp, tạm bợ. Trong khi đó, những trụ điện ở đây dây nhợ chằng chịt như mạng nhện. Vì đường đi khúc khuỷu, nên để kéo đường điện hạ thế vào mỗi nhà, người dân phải chồng dây nhà nọ lòng thòng sang nhà khác nên chỉ cần một dây bị đứt hay chập mạch, cũng có thể tạo nguy cơ mất an toàn cho cả xóm.

Dây điện đu đeo, giăng mắc chằng chịt trên cột đèn chung trong khu dân cư thuộc KP.4, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa rất dễ xảy ra cháy nổ.
Dây điện đu đeo, giăng mắc chằng chịt trên cột đèn chung trong khu dân cư thuộc KP.4, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa rất dễ xảy ra cháy nổ.

Bà Nguyễn Thị Sinh, một hộ dân sống ở đây lâu năm, cho biết vì hoàn cảnh mới phải chịu cảnh nhà chật chội, song tâm trạng lúc nào cũng lo lắng. Mỗi khi nghe tiếng nổ bình điện hoặc trụ điện xẹt lửa thì mọi người nhốn nháo. Bởi chỉ cần một nhà có biến cố, có thể “đi” luôn cả khu dân cư. Theo bà Sinh, năm ngoái có một hộ khóa cửa đi làm nhưng quên tắt quạt bàn đang chạy. Có lẽ thời gian hoạt động quá dài nên chiếc quạt bị nóng gây chập mạch và xẹt lửa. Một lúc sau, lửa bắt vào mùng mền, quần áo bùng lên. May thay, hôm đó vì để quên điện thoại nên chủ nhà quay về lấy, khi mở cửa thấy nhà bốc khói mù mịt liền tri hô, được bà con cùng nhau dập lửa kịp thời.

Tương tự, tại khu dân cư ở hẻm 119 đường Phan Đình Phùng (KP.2, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) trước đây cũng từng xảy ra một vụ cháy. Khi cảnh sát cứu hỏa đến, cố đưa xe chữa cháy vào tiếp cận hiện trường nhưng vì hẻm nhỏ nên chỉ lọt được đầu xe rồi vướng ở đó. Cũng trên đường Phan Đình Phùng (đoạn thuộc phường Quang Vinh) có nhiều hẻm nhỏ chạy luồn lách sâu bên trong chật kín hộ dân. Ở những nơi này, đường hẻm chỉ đủ chỗ cho một xe máy đi vào, muốn ra phải lùi chứ không có chỗ quay đầu xe.

Giải pháp nào ngăn ngừa “bà hỏa”?

Sống trên 20 năm ở một xóm lao động nghèo phía sau Trường THCS Trần Hưng Đạo, ông Trần Văn Cảnh (KP.3, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ phần lớn người dân sống ở đây đều khó khăn, nhiều hộ ở nhà thuê nên cuộc sống tạm bợ. Mỗi buổi chiều, các hộ đồng loạt dùng điện để nấu nướng, thắp sáng nên tình trạng chập dây điện, bình điện bị nổ do quá tải xảy ra thường xuyên. Tuy chưa có vụ nào gây cháy lớn, nhưng rõ ràng nguy hiểm luôn chực chờ trong khu dân cư.

Nhiều con hẻm nhỏ ở Biên Hòa sâu hun hút, rất khó cho công tác chữa cháy khi sự cố xảy ra.
Nhiều con hẻm nhỏ ở Biên Hòa sâu hun hút, rất khó cho công tác chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Nhận định về nguyên nhân các vụ cháy gần đây, Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, cho biết đa số các vụ cháy, nổ tại khu dân cư chủ yếu do sự cố chập điện gây nên. Thông thường, ngành điện chỉ quản lý lắp đặt điện lưới, dây dẫn trục chính, còn thiết kế điện trong nhà do người dân tự bố trí. Nhiều hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện trong nhà lại dùng thiết bị cũ, không đạt chuẩn về an toàn phòng chống cháy, nổ. Mặt khác, vì thiếu được kiểm tra phát hiện đường dây điện không đảm bảo an toàn để kịp thời thay mới, nên những lúc điện áp quá tải thường bị chập mạch rất dễ xảy ra sự cố. Đặc biệt ở nội ô TP.Biên Hòa, hiện có nhiều khu dân cư chật chội, đường nội bộ nhỏ hẹp, sâu hun hút; nhà ở chen chúc và không có lối thoát nạn. Bên cạnh đó, không ít khu vực phòng trọ được dựng tạm bợ, trong khi người thuê ở phần lớn dùng điện, bếp gas nhỏ nấu ăn, đồng thời để xe máy và các vật dụng khác cản trở lối đi. Vì thế, khi có cháy xảy ra, bản thân người trong cuộc không tìm được lối thoát nạn, còn công tác cứu hỏa cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không dễ tiếp cận hiện trường.

Theo Đại tá Nhân, để ngăn ngừa “bà hỏa” viếng, người dân cần cảnh giác và nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ bằng những việc làm nhỏ nhất. Bởi khi đã xảy ra cháy thì dù là nguyên nhân nào đi nữa, tổn thất sẽ không nhỏ.

Theo Đại tá Lê Quang Nhân, với những khu dân cư chật hẹp, ngoài cửa chính nên bố trí một cửa thoát hiểm nhỏ bên hông hoặc trên nóc nhà để khi xảy ra sự cố có thể sử dụng lối này thoát ra ngoài. Đối với hệ thống điện sinh hoạt, sản xuất nên sử dụng các thiết bị đạt chuẩn; thường xuyên kiểm tra, thay thế thiết bị, đường dây cũ kỹ, hư hỏng. Mặt khác, không được để đồ đạc, hàng hóa dễ cháy gần khu phát sinh nguồn điện, nguồn nhiệt; không dự trữ xăng dầu trong nhà; không để vật dụng cản trở lối thoát hiểm; hạn chế đốt nhang, đốt vàng mã thờ cúng trong nhà, kể cả ngoài sân; trang bị bình chữa cháy, bao tải hoặc xô cát để khi có cháy nổ dùng thiết bị này dập tắt đám cháy.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,599       812