Bạn đọc

Lao đao đời sống dân làng bè La Ngà

Sau vụ cá chết năm ngoái, đến nay nhiều ngư dân làng bè La Ngà vẫn điêu đứng vì nợ nần. Nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để đi làm thuê, kiếm thuê phụ cha mẹ. Sống đời lênh đênh sông nước đã cơ cực, giờ đây trẻ em làng bè lại càng thiệt thòi khi kinh tế gia đình thất bát.

Sau vụ cá chết năm ngoái, đến nay nhiều ngư dân làng bè La Ngà vẫn điêu đứng vì nợ nần.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nam (trái) khảo sát bè cá hộ ông Nguyễn Văn Lai. Ảnh: P.LIỄU
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nam (trái) khảo sát bè cá hộ ông Nguyễn Văn Lai. Ảnh: P.LIỄU

Nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để đi làm thuê, kiếm thuê phụ cha mẹ. Sống đời lênh đênh sông nước đã cơ cực, giờ đây trẻ em làng bè lại càng thiệt thòi khi kinh tế gia đình thất bát.

* Mang nợ vì cá chết...

Ông Cao Văn Toan, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà, cho biết: “Chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên việc học cho trẻ em làng bè, nhưng  do thiếu quan tâm của cha mẹ đối với học hành của các em, nên mỗi đầu năm học, việc vận động các em đi học là rất khó khăn, dù được địa phương hỗ trợ cặp sách, quần áo. Dù biết nhiều em không học lên cao, nhưng xã không thể để các em mù chữ”.

Làng bè La Ngà có từ hơn 20 năm qua, trải dài ở cả 2 xã La Ngà và Phú Ngọc với khoảng 200 hộ dân sinh sống, chủ yếu là Việt kiều trở về từ Campuchia và người dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên.

Bỏ quê ở An Giang, gia đình ông Nguyễn Văn Lai sống hơn 10 năm qua tại đây. Hiện ông thả được 4 vèo (khung nuôi) với khoảng 30-40 tấn cá diêu hồng. Mùa cá chết năm ngoái, nhà ông thiệt hại lớn, mất cả vốn lẫn lời, giờ ông còn nợ hơn 200 triệu đồng tiền cám. Tâm sự chuyện làm ăn, ông Lai cho biết mỗi năm nuôi 2 mùa cá. Từ tháng 11 đến tháng 5 là được mùa nước, nuôi thuận lợi, nhưng từ tháng 6 đến tháng 10 dù nuôi ít nhưng không hiểu vì sao cá vẫn chết.  Năm ngoái là đợt thiệt hại nặng nề nhất, trong đó hộ bà Dương Hồng Tươi lao đao khi cá chết 70-80% (tương đương hơn 30 tấn); hay hộ ông Minh Hương, cá chết đến 90%, vớt lên không bán được lại mất công vớt, ông Hương cắt bỏ luôn vèo.

Đến nay, dù đã vào vụ nuôi thả mới, nhưng ngư dân làng bè 2 xã La Ngà và Phú Ngọc vẫn lao đao vì nợ nần cũ. Nhà nợ nhiều lên đến hơn 1 tỷ đồng, nhà ít cũng vài chục triệu đồng. Song, vì cuộc sống họ lại tiếp tục nuôi dù biết nguy cơ vẫn rình rập. Anh Nguyễn Hoàng Nam, kỹ sư thủy sản đang làm việc cho Công ty thức ăn chăn nuôi Ngọc Long - đơn vị cung cấp đến 65% thị phần thức ăn chăn nuôi cho làng bè ở đây, cho hay: “Vụ cá chết vừa qua, công ty cũng gặp khó khăn vì bà con thiệt hại lớn, họ không có tiền trả, công ty đành ghim nợ để đó nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư con giống, thức ăn cho bà con nuôi tiếp, làm được họ mới có tiền trả nợ”. Theo anh Nam, đợt đó anh trực tiếp thống kê lượng cá chết ở làng bè có đến hơn 300 tấn. Nhiều hộ dân ở đây cho rằng các cơ quan chức năng vẫn còn nợ bà con ngư dân câu trả lời chính xác nhất về nguyên nhân cá chết.

* Trẻ em vất vả

Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để đi làm thuê, kiếm thuê phụ cha mẹ. Nhiều thiếu niên chưa qua tuổi 15 đã phải bỏ dở việc học để lao động kiếm cơm.

Thoăn thoắt chuyển những bao cá thịt từ thuyền lên xe tải, em Nguyễn Văn Ánh (còn gọi là Ánh đen - ở ấp 1, xã La Ngà) mới 14 tuổi nhưng đã 3 năm làm việc cho một chủ vựa thu mua cá. Ánh học hết lớp 4 thì nghỉ, theo cha mẹ từ miền Tây lên. Thời gian đầu, cuộc sống khó khăn nên Ánh được cha cho nghỉ học một năm để phụ trông bè, nhưng rồi càng lớn, Ánh lại chẳng muốn trở lại trường nên nghỉ luôn. Công việc của em ở đây cũng đều, lần ngày bốc hàng, em được trả từ 70-100 ngàn đồng. Với số tiền đó, em cũng giúp được cha mẹ lo cái ăn hàng ngày cho 4 người trong gia đình khi mùa cá chưa xuất bè. Hỏi em về ước mơ sau này, Ánh đen chỉ cười:  “Em chẳng ước mơ gì hết, chỉ mong có việc đều đều”.

Là một trong số ít trẻ được đi học, em Ngô Thanh Thi, 10 tuổi (ở ấp 5, xã La Ngà), con của một hộ Việt kiều Campuchia lập nghiệp khá lâu tại đây. May mắn hơn 2 chị của mình, Thi vẫn được cha cho tới trường nhưng em học trễ 2 lớp so với độ tuổi. Một buổi đi, một buổi em cùng mẹ đi mổ cá làm khô, phụ mẹ trang trải cuộc sống.

Qua trao đổi với nhiều hộ dân ở đây về việc học hành của con cái, không ít gia đình quan niệm chỉ cần con họ biết đọc, biết viết, biết làm con toán đơn giản là được, học lên cao mất thời gian… Ông Nguyễn Văn Lai ở ấp 2 (xã Phú Ngọc) có 3 con, nhưng 2 đứa con lớn, một đứa chưa học xong lớp 4, đứa mới học hết lớp 2 đã phải nghỉ để đi làm. Còn con trai út, dù đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa được đến trường mẫu giáo. Quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh trong căn chòi trên bè, chẳng được vui chơi, giải trí, dinh dưỡng cũng kém nên con út của nhà ông Lai nhỏ xíu như đứa trẻ lên 2. Ông Lai nói: “Năm rồi, tui tằn tiện mắc được mấy tấm pin mặt trời, mở được cái tivi tụi nhỏ xem cũng mát ruột, chứ trước đây quanh năm suốt tháng bọn nhỏ chỉ thấy mấy vèo cá và sông nước mênh mông”.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        149,821       561