Dạo trước, không ít trường hợp bị người khác giả là người thân quen nhờ nạp card điện thoại để chiếm tài khoản trong Facebook, Yahoo… Đây là thủ đoạn không mới, nhưng gần đây một số người vẫn bị lừa…
“Đồng nghiệp” của chị Phượng còn gửi cả hình ảnh các loại card điện thoại để nhờ mua nạp giúp. |
Dạo trước, không ít trường hợp bị người khác giả là người thân quen nhờ nạp card điện thoại để chiếm tài khoản trong Facebook, Yahoo… Đây là thủ đoạn không mới, nhưng gần đây một số người vẫn bị lừa…
Cách lừa phổ biến nhất mà kẻ gian thường sử dụng là dùng chiêu đánh cắp mật khẩu Facebook, rồi sử dụng để nhờ nạp card điện thoại. Do mất cảnh giác, nhiều người đã bị kẻ lừa đảo “cuỗm” được khá nhiều tiền.
* Bài học cảnh giác
Cuối tháng 3 vừa qua, Phạm Ngọc Uyên (ở phường An Bình, TP.Biên Hòa), nhân viên tiếp thị của một chi nhánh ngân hàng trên đường Phạm Văn Thuận đã bị lừa nạp card điện thoại mất 1 triệu đồng. Uyên kể, hôm đó khi đang đi công tác thì nhận được tin nhắn từ số điện thoại của chị Th., trưởng phòng nhân sự với nội dung: “Chị đang đi công tác thì tài khoản điện thoại hết tiền. Em mua giúp chị 2 thẻ Vina loại 500k (năm trăm ngàn đồng) nhé. Về chị gửi lại. Cảm ơn em”. Do mới vào làm, không muốn phiền lòng “sếp” nên Uyên tức tốc đi mua thẻ, cào mã số rồi gửi cho chị Th. Chiều hôm ấy, rồi nhiều ngày sau nữa mỗi lần ra vào chỗ làm đều gặp trưởng phòng Th., nhưng Uyên khá ngạc nhiên vì không thấy chị ấy đả động gì về việc nhờ nạp card và trả lại tiền. Nghe bạn bè nói có thể đã bị lừa, nên dù rất ngại nhưng Uyên mạnh dạn hỏi và chị Th. khẳng định chưa hề nhờ nạp card, bởi lâu nay chị dùng thuê bao trả sau.
Tương tự, khi đang lướt Facebook chị Nguyễn Thị Phượng (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) thấy có tin nhắn từ một đồng nghiệp “chat” hỏi chuyện chồng con, công việc… Một lúc sau thì người này nhờ chị mua giúp thẻ cào Viettel với lý do: “Tớ đang đi công tác về vùng sâu. Điện thoại bất ngờ hết tiền, nhưng ở đây không bán thẻ. Cậu nạp giúp tớ card Viettel 200k với”. Do đã từng bị lừa nạp card điện thoại 2-3 lần nên lần này chị Phượng cảnh giác, trả lời: “Cậu tự lo đi. Tớ đang bận việc nên không mua card giúp được”. Nghe chị Phượng trả lời như vậy, “đồng nghiệp” kia ngừng “chat”. Ít hôm sau gặp lại đồng nghiệp, chị Phượng hỏi chuyện về chuyến đi về vùng sâu, vùng xa và nhắc lại chuyện nhờ nạp card, người này cho biết không hề đi công tác xa và cũng chẳng nhờ ai nạp thẻ điện thoại.
* Cảnh giác với những chiêu trò tinh vi
Tin nhắn nhờ nạp card từ điện thoại của “sếp” Th. khiến chị Uyên mất 1 triệu đồng. |
Nói về chiêu thức lừa đảo trên mạng, anh Phạm Thịnh, kỹ sư công nghệ thông tin (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), cho biết hiện nay nhiều hacker rất giỏi “hack” (thường hiểu là hoạt động xâm nhập vào hệ thống trái phép nhằm chiếm tài khoản của người khác để thay đổi thông số, tính năng…) trên mạng xã hội. Qua đó, họ gửi các đường link có chứa mã độc để chiếm quyền đăng nhập tài khoản Facebook của người chơi rồi “chat” với bạn bè của nick này trên danh nghĩa chủ tài khoản, sau đó nhờ nạp tiền điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền cho mượn. Nhiều người không biết, nghĩ đó là người thân, bạn bè nên đã mua card, thậm chí mau chóng chuyển tiền theo yêu cầu. Vì thế anh Thịnh khuyến cáo, khi nhận được đường link lạ với gợi ý vào xem bằng cách điền địa chỉ email và mật khẩu thì người nhận không nên “tò mò” mở đường link này. Bởi khi đăng nhập, kẻ xấu sẽ nắm được mật khẩu tài khoản của người bị “mắc bẫy” và chiếm luôn nick để thao túng dưới danh nghĩa chính là chủ tài khoản. Theo anh Thịnh, hiện nay tội phạm công nghệ cao có nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, do đó người sử dụng mạng xã hội cũng như điện thoại cần cảnh giác với những chiêu trò của bọn tội phạm này. Đặc biệt, khi internet phổ biến, cộng đồng dân cư tham gia mạng xã hội rất lớn, nhiều thông tin cá nhân được người dùng đưa lên Facebook nên rất dễ để những kẻ lừa đảo nắm được và trao đổi, trò chuyện như những người thân quen của mình.
Riêng vấn đề kẻ xấu “chiếm dụng” được số điện thoại di động của ai đó rồi nhắn tin nhờ nạp card chuyển tiền, đến nay những nhà mạng cũng chưa ngăn chặn được. Vì thế, để khỏi bị lừa khi nhận được tin nhắn yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp card điện thoại, cách tốt nhất hãy gọi lại cho người đã nhắn tin để xác minh; hoặc từ chối yêu cầu của người đó khi thấy tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu khả nghi.
Thời gian qua, một số đối tượng lừa đảo qua mạng khi nhờ nạp tiền điện thoại đã bị bắt. Chẳng hạn, mới đây Công an TP.Đà Nẵng đã bắt Nguyễn Hùng Dương (ngụ xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về tội danh sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của hơn 30 tài khoản ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… với số tiền lên đến 2 tỷ đồng, thông qua chiêu lừa đảo nhờ nạp card điện thoại. |
Phương Uyên