Bạn đọc

Kênh thủy lợi nguy hiểm

Lâu nay, nhiều gia đình ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng vì ở khu dân cư có kênh thủy lợi (còn gọi là kênh N3) không có nắp đậy.

Người dân ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom lúc nào cũng thấp thỏm khi trẻ nhỏ chơi gần kênh thủy lợi N3 không có nắp đậy.
Người dân ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom lúc nào cũng thấp thỏm khi trẻ nhỏ chơi gần kênh thủy lợi N3 không có nắp đậy.

Nhiều người cho biết tại dòng kênh này, dạo trước đã có nhiều trẻ em bị té ngã, trong đó 5 trường hợp tử vong vì đuối nước.

* Những cái chết thương tâm

Vào khoảng 11 giờ ngày 7-4-2017, bé gái Lê Nguyễn Anh Trúc (5 tuổi), con thứ 2 của anh Lê Văn Chinh và chị Nguyễn Thị Lý khi đang chơi ở kênh thủy lợi trước nhà bất ngờ bị trượt chân rơi xuống mương. Do không biết bơi nên bé Trúc đuối nước và tử vong.

Do đang bận việc dưới nhà sau, khi trở lên không thấy con đâu, anh Chinh đi kiếm và phát hiện đôi dép của bé Trúc nằm bên kênh thủy lợi. Hoảng sợ, anh Chinh tri hô và nhờ hàng xóm tìm kiếm con gái mình. Hơn 1 giờ sau, người dân phát hiện thi thể bé Trúc dưới kênh N3 cách nhà khoảng 1,5km. “Vì đã có nhiều trường hợp chết đuối dưới kênh này nên gia đình tôi làm tường rào và cổng kiên cố. Vậy mà chúng tôi vẫn không giữ được con…” - anh Chinh nghẹn ngào.

Vị trí bé Lê Nguyễn Anh Trúc bị rơi xuống và tử vong.
Vị trí bé Lê Nguyễn Anh Trúc bị rơi xuống và tử vong.

Trước đó, gia đình hàng xóm của anh Chinh là chị Nguyễn Thị Đức cũng có 2 con bị chết dưới kênh N3. Nhớ về 2 con nhỏ bị nạn, chị Đức kể vì gia đình làm ruộng nên hàng ngày người lớn phải cặm cụi ngoài đồng, để các con ở nhà cho bà nội trông coi. Năm 2004, cháu Nguyễn Văn Sơn (lúc đó mới 2 tuổi) bị ngã xuống kênh này và tử vong. Năm 2006, bé Nguyễn Thị Tuyền (2 tuổi), con gái út của chị Đức, cũng rơi xuống kênh chết đuối. “Mất con ai chả xót xa. Nỗi đau này tôi chẳng thể nguôi, chỉ mong sao đơn vị quản lý có biện pháp nào đó để không còn xảy ra tình trạng các bé chết đuối dưới con kênh này nữa” - chị Đức kiến nghị.

* Người dân phải… tự giữ con mình

Kênh N3 xây dựng khoảng 10 năm nay do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Khi nâng cấp, kênh được xây dựng dạng hở nằm dọc con đường dân sinh, nhiều đoạn ở ngay trước nhà dân. Kênh có chiều rộng 1m, sâu khoảng 1,2m, chiều dài 8km. Hệ thống thủy lợi này có nhiệm vụ dẫn nước từ hồ Sông Mây phục vụ sản xuất cho gần 1 ngàn hécta đất trồng lúa của huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu.  Khi cần dẫn nước cho các cánh đồng phía hạ lưu, nước được xả gần ngập kênh nên chảy rất xiết, nếu trẻ em chẳng may rơi xuống thì rất khó thoát nạn.

Nói về kênh thủy lợi là nỗi kinh hoàng của các gia đình có em nhỏ lâu nay, ông Hoàng Viết Toàn, Trưởng ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, xác nhận bà con luôn sống trong tâm trạng bất an. Một số trường hợp trẻ em rơi xuống kênh được người dân kịp thời phát hiện cứu sống, riêng 5 em khác đã không gặp may bị chết đuối khiến ai cũng thương cảm. Theo ông Toàn, người dân trong ấp đã nhiều lần phản ảnh lên chính quyền địa phương về tình trạng nguy hiểm của kênh thủy lợi N3 không có nắp; đồng thời kiến nghị đơn vị chủ quản có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho các trẻ nhỏ, tránh lặp lại những tình huống xấu, đẫn đến mất mát cho các gia đình, song đến nay chẳng có gì chuyển biến.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về kênh thủy lợi N3, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Lê Xuân Toàn cho biết, thời gian qua sau khi xảy ra các trường hợp trẻ em tử vong, công ty cũng tính đến phương án đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trẻ nhỏ trong khu vực. Tuy nhiên, do đoạn kênh chạy qua khu dân cư dài hơn 1km, chi phí lắp đặt hệ thống nắp bằng bê tông rất lớn nên đơn vị không thể bố trí nguồn vốn thực hiện. Mặt khác, việc đậy kín mương sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành, điều tiết nước từ hồ Sông Mây cho các cánh đồng phía hạ lưu, bởi sẽ rất khó khăn trong việc nạo vét bùn, cát, rác thải bồi đắp dưới kênh.

Văn Chính - Thanh Vy

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,794       577