Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15-3 vừa qua để cho ý kiến về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý đường ngang dân sinh băng qua đường sắt (gọi tắt là đường ngang dân sinh).
Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh. Ảnh: K.LIỄU |
Nếu địa phương nào để xảy ra việc mở đường ngang dân sinh trái phép sẽ bị xem xét trách nhiệm, thậm chí kỷ luật.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh. Ông Bôn cho biết:
- Tại cuộc họp bàn về giải pháp xử lý đường ngang dân sinh trái phép do Ban ATGT tỉnh tổ chức mới đây, các ngành chức năng thống nhất giải pháp: nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường sắt.
Thưa ông, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, nguyên nhân cơ bản có phải do đường ngang dân sinh mở trái phép?
- Hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đều xảy ra tại các đường ngang nơi giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Đối với những đường ngang không có rào chắn, không được lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn giao thông thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt làm chết 5 người và bị thương 7 người. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Trương Quang Nghĩa thừa nhận thực trạng thiếu an toàn đường sắt là do các địa phương không quản lý được tình trạng người dân tự ý mở đường mòn băng ngang đường sắt, lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán, xây dựng nhà ở ngay trong khu vực tàu hỏa đi qua. Cá nhân tôi thấy phải xử lý nghiêm, thậm chí kỷ luật người đứng đầu địa phương thì mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn tại những khu vực có đường ngang dân sinh.
Người dân dựng “bậc thang” để leo qua lan can hành lang an toàn giao thông đường sắt. |
Đồng Nai là địa phương có nhiều đường ngang dân sinh, nhưng vì sao đến nay nhiều điểm giao cắt này chưa được lắp đặt các thiết bị cảnh báo ATGT, thưa ông?
- Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Đồng Nai dài 89,172 km, chạy qua 5 địa phương: Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Trảng Bom, Biên Hòa. Suốt chiều dài đường sắt đi ngang tỉnh có 123 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, bao gồm 57 đường ngang hợp pháp và 66 đường ngang dân sinh trái phép. Thực tế, khi người dân tự ý mở lối đi tắt ra đường sắt nhưng chính quyền địa phương không ngăn cản và xử lý mạnh tay, nên theo thời gian những đường mòn này trở thành đường ngang cố định bất hợp pháp. Tình trạng mở đường ngang trái phép băng qua đường sắt, hoặc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ngày càng nghiêm trọng, một số điểm trở thành “điểm đen” tiềm ẩn TNGT.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, cụ thể: tổ chức cảnh giới tại 10 đường ngang mất an toàn với thời gian 24/24giờ, xây dựng hàng rào nhằm xóa bỏ 21 điểm và thu hẹp 35 đường ngang trái phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã lắp đặt mới pa-nô tuyên truyền tại 43 vị trí đường ngang hợp pháp; xây dựng hàng rào, đường gom... tại một số điểm khác.
Để đảm bảo ATGT đường sắt trong thời gian tới, cơ quan chức năng đã có những giải pháp gì để xử lý đường ngang dân sinh?
- Tuần rồi, Ban ATGT tỉnh đã mời Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn và các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương có đường sắt đi qua để bàn giải pháp xử lý đường ngang dân sinh. Theo đó, các ngành và địa phương thống nhất biện pháp xử lý như sau: bảo vệ 21 điểm đã xây dựng rào chắn, tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt xóa đường ngang trái phép; xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương và các đơn vị liên quan nếu để người dân phá bỏ rào chắn bên hành lang đường sắt hoặc để phát sinh thêm đường bộ dân sinh; khắc phục các vị trí mất an toàn tại những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến mọi đối tượng, đặc biệt là người dân sống dọc 2 bên đường sắt.
Riêng ngành đường sắt lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo 10 đường ngang hợp pháp; tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng hàng rào, đường gom nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống dọc 2 bên đường sắt lưu thông thuận lợi, an toàn và không còn lối đi dân sinh; trang bị tín hiệu cảnh báo tự động bằng tín hiệu đèn, điện thoại và chuông, cần chắn tự động tại những đường ngang dân sinh nguy hiểm nhưng chưa xây dựng đường gom hoặc bố trí người cảnh giới.
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)