Bạn đọc

Vì sao vỉa hè dẹp mãi không xong?

Những ngày qua, tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội và đang "nóng" về sự quyết liệt của chính quyền trong việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Tôi cũng như nhiều người lấy làm lạ là việc này chẳng có gì to tát, nhưng tại sao nhiều năm nay các địa phương, trong đó có Biên Hòa vẫn không giải quyết được tận gốc rễ?

Những ngày qua, tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội và đang “nóng” về sự quyết liệt của chính quyền trong việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Tôi cũng như nhiều người lấy làm lạ là việc này chẳng có gì to tát, nhưng tại sao nhiều năm nay các địa phương, trong đó có Biên Hòa vẫn không giải quyết được tận gốc rễ? Thực tế, thời gian qua lãnh đạo TP.Biên Hòa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm đến các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong việc dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân diễn ra ồn ào được mấy bữa rồi mọi chuyện lại như “đá ném ao bèo”.

Vỉa hè góc đường Trần Minh Trí và 30-4, TP.Biên Hòa được dựng rào chắn kiên cố để giữ xe.
Vỉa hè góc đường Trần Minh Trí và 30-4, TP.Biên Hòa được dựng rào chắn kiên cố để giữ xe.

Mới đây, khi xem thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, tôi bất ngờ trước phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi chỉ rõ, trong số hơn 180 quán bia vỉa hè thì trên 150 quán có công an đứng đằng sau. Ông Chung còn đặt vấn đề: “Có bí thư quận, chủ tịch quận nào ngồi đây dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà mình không?”. Phát biểu của ông Chung đã lý giải vì sao bao nhiêu lần ra quân dọn dẹp lòng lề đường để trả lại vỉa hè cho người đi bộ và lập lại trật tự, mỹ quan đô thị cho thành phố đều thất bại.

Đành rằng các đô thị hiện nay đất chật, người đông, nhiều tuyến phố quy hoạch cũ không đáp ứng được các tiêu chí mỹ quan của một đô thị hiện đại… nhưng không có nghĩa đường phố đó không thể thông thoáng, sạch đẹp. Tôi đã đi một vài thành phố ở nước ngoài, các tuyến đường dù vỉa hè chật hay rộng đều được kẻ lằn ranh dành cho người đi bộ. Thế nhưng, ở nước ta vì nhiều lý do người ta cứ đua nhau lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh, giữ xe… “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường. Điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ làm cho đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn mà còn gây mất an toàn giao thông.

Để đô thị thực sự văn minh, chính quyền cũng như người dân cần ứng xử văn hóa và trách nhiệm với thành phố của mình. Vì thế, trước hết những người làm công tác quản lý phải nâng cao trách nhiệm, phải quyết liệt hơn với vi phạm vỉa hè. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần ý thức việc giữ gìn văn minh đô thị, bởi không gian sống đó không chỉ là của người khác, mà còn của chính bản thân mình.

Đặng Phương (TP.Biên Hòa)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        149,935       576