Tại khu phố tôi ở, dù đất ở hẹp, ngõ hẻm chật chội nhưng nhiều người vẫn tận dụng từng khoảnh nhỏ ở sân dưới, sân thượng, thậm chí trước nhà để đặt thùng xốp trồng rau xanh và những loại dây leo, như: bầu, bí, mồng tơi, mướp đắng… vừa mát nhà, vừa có rau sạch để ăn.
Tại khu phố tôi ở, dù đất ở hẹp, ngõ hẻm chật chội nhưng nhiều người vẫn tận dụng từng khoảnh nhỏ ở sân dưới, sân thượng, thậm chí trước nhà để đặt thùng xốp trồng rau xanh và những loại dây leo, như: bầu, bí, mồng tơi, mướp đắng… vừa mát nhà, vừa có rau sạch để ăn.
Những thùng rau như những chậu cây xanh làm mát mắt những ngày nóng nực. |
Mỗi sáng đi tập thể dục về, trong nhiều ngõ hẻm của khu phố, nhìn cảnh bà con chăm sóc những thùng rau, giàn bầu, cây mướp… mà vui mắt. Nhà nào ít thì trồng 1-2 loại rau, hộ có diện tích rộng hơn thì đặt 4-5 thùng xốp với khá nhiều loại rau. Có nhà còn đặt cả kệ sắt để trồng rau mầm, rau thơm, hành ngò… Vì được chăm sóc hàng ngày nên thùng rau nào cũng xanh tươi mơn mởn, làm những con hẻm chật chội phần nào bớt nóng bức.
Sở dĩ có tình trạng nhà nhà trồng rau là vì hiện nay nhiều loại rau, củ, quả bị nhiễm hóa chất do quá trình sản xuất bị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng; thậm chí, ngay cả khi mua rau được dán nhãn rau sạch cũng chưa thật yên tâm. Do đó, “phong trào” trồng rau tại nhà là chắc ăn nhất về chất lượng và độ an toàn.
Từ chuyện trồng rau, ở xóm tôi gần đây còn có tình trạng khi ăn rau mình tự sản xuất không hết liền đổi loại rau khác của hàng xóm, tạo nên phong cách ứng xử rất chân tình. Vì thế, dù nhà trồng 1-2 loại rau, nhưng nhờ tình làng nghĩa xóm nên nhà nào cũng có nhiều loại rau để ăn. Điều đó không chỉ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hàng xóm với nhau, mà còn có những “món quà” giản đơn nhưng tốt cho sức khỏe, đó là những nắm rau sạch cho bữa ăn hàng ngày trở nên an toàn.
Nguyễn Thị Phương (phường Trung Dũng)