Bạn đọc

Từ ngày 1-1-2017, 1 bộ luật và 6 luật có hiệu lực thi hành

Đó là Bộ luật Dân sự, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Báo chí, Luật Dược, Luật Phí và lệ phí, Luật Kế toán, Luật Đầu tư sửa đổi...

Các nhà báo Đồng Nai tác nghiệp tại Khu di tích Căn cứ Tà Thiết (tỉnh Bình Phước) năm 2009. Ảnh: T.TẤN
Các nhà báo Đồng Nai tác nghiệp tại Khu di tích Căn cứ Tà Thiết (tỉnh Bình Phước) năm 2009. Ảnh: T.TẤN

Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự

Điểm nhấn trong Bộ luật Dân sự sửa đổi là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp. Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng, áp dụng pháp luật dân sự nhằm góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, bộ luật quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận.

Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác, vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình, hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận trong bộ luật. Đây được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam.

Tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách Nhà nước

Luật Ngân sách Nhà nước là đạo luật quan trọng, tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách Nhà nước theo hành lang pháp lý mới đầy đủ, đồng bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công theo hướng hiện đại. Luật gồm 7 chương, 77 điều, giảm một chương, giữ số điều so với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002. Thực hiện quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống ngân sách Nhà nước, nền tài chính quốc gia, thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong các quy định về chính sách thu, chi ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp… Các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi ngân sách Nhà nước đều do Trung ương ban hành, thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Mọi khoản chi ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Đáng chú ý, lần đầu tiên Luật Ngân sách Nhà nước quy định bội chi ngân sách địa phương là một cấu phần trong bội chi ngân sách Nhà nước. Nói cách khác, bội chi ngân sách Nhà nước bao gồm bội chi ngân sách Trung ương và bội chi ngân sách địa phương. Đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm công dân của người làm báo

Luật Báo chí 2016 có 61 điều, tăng 25 điều so với Luật Báo chí 1999, trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định mới.

Luật quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, luật quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp...

Để bảo vệ nguồn tin báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật Báo chí mới quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường

Với 14 chương, 116 điều, Luật Dược (thay thế cho Luật Dược 2005) quy định các lĩnh vực tập trung ưu tiên, gồm: nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; vaccine, sinh phẩm, dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.

Luật quy định chính sách ưu tiên sử dụng thuốc trong nước đối với thuốc mua từ nguồn vốn Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Y tế trong quản lý nhà nước về công nghiệp bào chế thuốc, phát triển sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và nguồn dược liệu làm thuốc. Luật còn quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong quản lý phí, lệ phí

Luật Phí và lệ phí là một đạo luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ hơn trong quản lý phí, lệ phí. Luật gồm 6 chương, 25 điều, quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí.

Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá, gồm: 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí: trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác...

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh

Ngoài việc bổ sung ngành “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, luật quy định bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Luật Đầu tư sửa đổi, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Hệ thống hóa, tách và hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý Nhà nước; sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh chính xác, đầy đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh…

Phúc Hằng (Thông tấn xã Việt Nam)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,409       259