Thời gian gần đây Bộ Thông tin - truyền thông đã có nhiều quy định quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các nhà mạng di động.
Tuy tình trạng tin nhắn rác đã giảm, song nhiều khách hàng vẫn còn phàn nàn vì thường xuyên vẫn nhận được tin quấy nhiễu…
Tin nhắn rác gửi tới thuê bao gây phiền phức cho khách hàng (ảnh chụp lại từ điện thoại di động). Ảnh: K.Liễu |
* Bực mình với tin nhắn rác
Thực hiện quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, vừa qua 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm: Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Với động thái này, khách hàng sử dụng điện thoại di động đã kỳ vọng rất nhiều với mong muốn sẽ không còn bị làm phiền bởi tin nhắn rác nữa. Thế nhưng cho đến thời điểm này, nạn tin nhắn rác vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo các chủ thuê bao di động, hiện nay họ vẫn còn bị làm phiền bởi những tin nhắn rác có những nội dung, như: quảng cáo bất động sản, chào mời mua sim, số đẹp… Bực nhất là những người gửi tin nhắn rác bất chấp giờ giấc, cứ vô tư nhắn vào máy khách hàng với nội dung chẳng liên quan gì đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của người nhận. Một khách hàng dùng mạng MobiFone ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) kể, mỗi ngày nhận ít nhất 3 tin nhắn rao bán căn hộ chung cư hoặc đất nền có khi gửi giữa trưa, lúc thì nửa đêm anh rất khó chịu. Tương tự, bà Trần Thị Thu Huyền (nhà ở KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) - khách hàng của Vinaphone, cho biết bà đang dùng số thuê bao có số đuôi là 806. Theo quan niệm của nhiều người thì đây là số lộc phát nên bà thường xuyên bị tin nhắn rác quấy nhiễu. “Trước đây, mỗi ngày tôi nhận được từ 5-7 tin nhắn quảng cáo mua bán sim, hay trao đổi những chuyện đâu đâu. Không xem thì sợ người thân nhắn, còn đọc loại tin vớ vẩn đó cứ tức anh ách. Từ khi cơ quan chức năng vào cuộc, lượng tin gửi đến máy tôi giảm còn 2-3 tin/ngày nhưng vẫn rất bực bội. Chỉ mong sao cơ quan chức năng xử lý quyết liệt hơn để tình trạng này được giải quyết dứt điểm để khách hàng được “yên thân” - bà Huyền nói.
Ngoài việc nhận tin nhắn rác mỗi ngày, nhiều khách hàng còn phàn nàn liên tục nhận được tin nhắn từ tổng đài của nhà mạng quảng cáo về các chương trình khuyến mãi; mời chào tham gia dự thưởng và các dịch vụ... với nội dung không rõ ràng khiến người dùng nhầm lẫn làm theo hướng dẫn nên dễ bị mất tiền oan.
* Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Để hạn chế nạn tin nhắn rác, thời gian qua cơ quan quản lý Nhà nước đã có những quy định yêu cầu nhà mạng thực hiện các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn những loại tin làm phiền khách hàng. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian thì vấn nạn tin rác lại “bùng phát” trở lại.
Lần này, Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành nhiều biện pháp quản lý nhằm siết chặt việc kinh doanh sim số của các nhà mạng. Đây có thể xem là một tín hiệu vui cho người dùng điện thoại di động, bởi hầu hết tin nhắn rác được phát tán chủ yếu từ những sim thuê bao trả trước - nói cách khác, đó là những sim “không chính chủ”.
Nói về hướng xử lý tin rác thời gian tới, Phó chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin - truyền thông, Sở đang tiến hành thanh tra đối với chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cùng các cửa hàng, đại lý, điểm bán sim điện thoại trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ xử lý nghiêm các điểm vi phạm những quy định về quản lý thuê bao di động trả trước về hoạt động khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động. “Mới đây, Bộ Thông tin - truyền thông đã thiết lập riêng đầu số 456 được kết nối với tất cả các mạng di động Việt Nam và giao cho Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) quản lý, vận hành. Người dùng di động khi nhận được tin nhắn rác có thể phản ánh tin nhắn rác bằng cách chuyển tin đó tới đầu số 456 để giúp nhà mạng ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác. Nếu mọi người cùng có trách nhiệm chỉ ra ai là “tác giả” của tin nhắn rác sẽ giúp cho môi trường số ngày càng minh bạch và an toàn hơn” - bà Hồng Liên nói.
Kim Liễu