Bạn đọc

Chưa quan tâm kỹ năng phòng vệ cho trẻ

Do thiếu kỹ năng nhận biết nguy cơ để phòng vệ, không ít trẻ bị xâm hại tình dục hoặc bị bạo lực học đường, bị bắt cóc mà không biết cách chống đỡ…

Do thiếu kỹ năng nhận biết nguy cơ để phòng vệ, không ít trẻ bị xâm hại tình dục hoặc bị bạo lực học đường, bị bắt cóc mà không biết cách chống đỡ…

Nếu được trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân, có lẽ nhiều em đã không vướng vào con đường phạm tội. Trong ảnh: Học viên Trường giáo dưỡng số 4 học nghề.
Nếu được trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân, có lẽ nhiều em đã không vướng vào con đường phạm tội. Trong ảnh: Học viên Trường giáo dưỡng số 4 học nghề.

Từ đầu năm học đến nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip học sinh đánh bạn rất dã man chỉ vì xích mích cá nhân. Điều đáng nói là không ít nạn nhân của các vụ bạo lực học đường này chỉ biết co rúm người chịu đựng.

Thiếu kỹ năng phòng vệ

ThS.tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường cao đẳng sư phạm trung ương TP.Hồ Chí Minh, nhận định: “Cuộc sống hiện nay có rất nhiều nguy cơ, trong khi nhiều gia đình ít con thường bảo bọc con quá kỹ. Vì vậy, nhiều trẻ ở thành phố chỉ biết học mà không có trải nghiệm thực tế nên khi bị lâm vào sự cố rắc rối, các em thường không biết xử lý. Do đó, trang bị kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng nhận biết nguy cơ để phòng tránh, bảo vệ bản thân để giữ cho mình an toàn là điều rất cần thiết cho các em”.

Trò chuyện với nạn nhân bị nhóm nữ sinh Trường THCS Võ Trường Toản (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đánh hội đồng vừa qua, khi được hỏi vì sao không chống trả hoặc chạy đến cầu cứu thầy cô mà chỉ ôm đầu chịu trận, em này cho biết: “Lúc đó em quá sợ các bạn nên không biết làm gì để thoát ra”. Mẹ của nạn nhân cho biết sau trận đòn “nhớ đời” đó, tâm lý em bất ổn nhiều ngày sau đó.

Một trường hợp đau lòng khác, vào tháng 5-2016 em T. (13 tuổi, ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) đã bị ông V.C.K. (55 tuổi, ngụ cùng xã) xâm hại. Chị H., mẹ của T. cho biết sau khi sự  việc xảy ra, nghe con gái kể lại mà rớt nước mắt. Suốt cả năm qua, ông K. đã lợi dụng mối quan hệ bà con gần với gia đình nên nhiều lần dùng tiền để dụ dỗ T. sang nhà chơi. Bắt đầu từ những cử chỉ thân mật khác thường và cuối cùng là xâm hại cháu T. nhiều lần. Chị H. đau đớn nói: “Sự việc tồi tệ có thể sẽ không xảy ra nếu cháu được dạy cách nhận biết nguy cơ, cách phản ứng khi có người khác đụng chạm vào cơ thể. Chính vì vậy, cháu mới bị lạm dụng trong thời gian dài”.

Không được trải nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng nhận biết nguy cơ cũng như kỹ năng phòng vệ… không chỉ gây mất an toàn cho trẻ em mà còn là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thanh Lan (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Cuộc sống bây giờ nhiều bất trắc nên tôi thường xuyên trang bị cho con gái những kiến thức có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, tôi còn đặt ra tình huống và cách xử lý khi lâm vào những sự cố bất thường, để khi va chạm thực tế cháu có thể xoay xở thoát ra khỏi rắc rối đó”.

Dạy kỹ năng phòng vệ trong nhà trường?

Xã hội văn minh, hiện đại mang đến cho con người nhiều tiện ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy, đặc biệt là đối với trẻ em. Điều này đòi hỏi mỗi trẻ phải có kỹ năng để xử lý bất trắc, cũng như bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, vấn đề trang bị kỹ năng sống cho các em lại đang bị bỏ ngỏ.

Xích mích cá nhân sẽ không trở thành bạo lực học đường nếu mỗi học sinh biết cách “thoát ra” khỏi tình huống nguy hiểm một cách an toàn (ảnh minh họa).
Xích mích cá nhân sẽ không trở thành bạo lực học đường nếu mỗi học sinh biết cách “thoát ra” khỏi tình huống nguy hiểm một cách an toàn (ảnh minh họa).

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Bình đẳng giới và trẻ em Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết thời gian qua Sở đã phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chống đuối nước, phòng chống ma túy - mại dâm, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, phòng chống tình trạng xâm hại tình dục… cho cán bộ làm công tác trẻ em, học sinh, giáo viên các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, không đủ nhân lực nên các trường học dù muốn cho học sinh tiếp cận được những vấn đề trên nhưng không thể tổ chức thường xuyên được.

Trong khi đó, một giáo viên thể dục của một trường THCS ở Biên Hòa khẳng định việc dạy kỹ năng phòng vệ cho học sinh ở trường không quá khó khăn, tốn kém. Theo giáo viên này, lâu nay nhiều học sinh chán giờ thể dục vì từ tiểu học đến THCS các em chỉ học mãi những động tác quen thuộc, như: bước đều, quay trước, quay sau, sang trái, sang phải, chạy bộ hay đánh cầu lông… “Theo tôi, giờ thể dục trong trường cần xen kẽ những bài học cần thiết hơn, chẳng hạn dạy học sinh cách thoát hiểm khi bị vướng vào một đám cháy; bị bạn đánh hội đồng thì nên làm gì; bị bắt cóc hay đi lạc thì tìm cách liên lạc như thế nào; những số điện thoại cần nhớ để gọi trong tình huống khẩn cấp… Chính những điều đó sẽ giúp các em ứng phó tốt hơn khi bản thân lâm vào tình huống mất an toàn nhưng không có người lớn giúp đỡ” - vị giáo viên này nhận định.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,579       343