Bạn đọc

Đổi thay ở Tà Lài

Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) có những thay đổi tích cực. Nhiều gia đình kinh tế phát triển, xây được nhà khang trang…

Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) có những thay đổi tích cực. Nhiều gia đình kinh tế phát triển, xây được nhà khang trang…

Ông K’Bắc, dân tộc Châu Mạ ở ấp 4 là một trong những gia đình xây dựng được nhà khang trang. Ảnh: K.Liễu
Ông K’Bắc, dân tộc Châu Mạ ở ấp 4 là một trong những gia đình xây dựng được nhà khang trang. Ảnh: K.Liễu

Tà Lài hiện có 1.920 hộ dân, trong đó 516 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 32%, phần lớn là Mạ, S’Tiêng, Tày) sống tập trung ở ấp 4 và ấp 7 bên kia sông Đồng Nai. Những năm gần đây, bà con dân tộc đã thể hiện ý chí phát triển kinh tế, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi thấy rõ.

Trở lại vùng đồng bào dân tộc xã Tà Lài, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhiều gia đình ở nhà xây mới với, đầy đủ tiện nghi. Nhờ có sự chuyển dịch đúng hướng từ trồng cây hàng năm thu nhập thấp sang trồng cây lâu năm cho thu nhập cao, như: cà phê, tiêu, điều... nên đời sống của bà con tăng khá sau mỗi vụ mùa. Đáng kể là các hộ bây giờ rất chăm lo cho con cái học hành. Điều này cho thấy sự tiến bộ của đồng bào dân tộc đã khác xưa rất nhiều.

Một trong những người đi đầu trong đổi mới tư duy, biết cách làm giàu từ nông nghiệp phải kể đến gia đình ông Đàm Văn Du, dân tộc Tày ở ấp 7.  Nói về kinh nghiệm làm kinh tế của mình, ông Du chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước cho vay vốn, gia đình tôi đầu tư chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng nên sản lượng làm ra đạt hiệu quả. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn”.

Tương tự, dạo trước chỉ biết canh tác manh mún khiến đời sống khó khăn, nhưng giờ đây gia đình ông K’Bắc (dân tộc Mạ, ở ấp 4) đã tận dụng chính sách hỗ trợ vốn, tiếp cận kỹ thuật để đầu tư trồng 2 hécta cây điều, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông đã có điều kiện lo cho 4 người con học hành đàng hoàng, trong đó có người đã tốt nghiệp đại học. Đứng bên căn nhà vừa mới xây khang trang, ông
K’ Bắc nói: “Dạo trước, bà con dân tộc chúng tôi phải đi làm thuê, làm mướn hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ khi được chính quyền địa phương quan tâm, chúng tôi được các ngành chức năng tạo mọi điều kiện để vay vốn sản xuất, được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi nên bà con biết làm ăn bằng cách tăng vụ gieo trồng lúa, đầu tư cải tạo lại vườn tược... Chính vì vậy, thời gian gần đây cái nghèo không còn đeo bám người dân nữa, thay vào đó đồng bào dân tộc đã có cuộc sống sung túc hơn”.

Nhận định về đời sống của đồng bào dân tộc ấp 4 và ấp 7, ông Lê Văn Phú, Bí thư Đảng ủy xã Tà Lài, bộc bạch: “Nếu như năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trong xã là 16 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 33,7 triệu đồng/năm. Toàn xã có 40% hộ khá thì nhiều hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là những nỗ lực của bà con dân tộc trong giai đoạn hiện nay khi các địa phương đều cố gắng xây dựng nông thôn mới”.

Nhờ có hệ thống kênh mương thủy lợi mà người dân ấp 4, xã Tà Lài tăng 3 vụ lúa/năm. Trong ảnh: Người dân phơi lúa sau mùa thu hoạch.
Nhờ có hệ thống kênh mương thủy lợi mà người dân ấp 4, xã Tà Lài tăng 3 vụ lúa/năm. Trong ảnh: Người dân phơi lúa sau mùa thu hoạch.

Cùng quan điểm như ông Phú, ông Lê Trường Vũ, cán bộ phụ trách dân tộc xã Tà Lài, cho rằng đồng bào dân tộc ở ấp 4 và ấp 7 không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà còn chăm lo cho việc học hành của con em mình. “Nhiều năm qua, kỳ thi nào cũng có học sinh con em đồng bào dân tộc trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.  Kỳ thi tuyển sinh năm nay có 34 học sinh đồng bào dân tộc thi đậu và đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Những em ở lớp trước sau khi ra trường đã đem kiến thức học được về phục vụ cho bà con mình, góp phần xây dựng địa phương” - ông Vũ nói.

Chia tay đồng bào dân tộc ở Tà Lài, điều đọng lại trong tôi là những đôi tay của phụ nữ Mạ khá thuần thục khi chăm chút vào dệt thổ cẩm. Đây cũng là cách tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc trong việc sản xuất sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Theo Bí thư Đảng ủy xã Tà Lài Lê Văn Phú, sau sự cố cầu treo Tà Lài bị sập, lãnh đạo tỉnh và huyện đã chỉ đạo việc khắc phục sự cố, tạo mọi điều kiện để người dân đi lại thuận tiện trong thời gian chờ làm lại cầu mới. Hiện tại, huyện đã bố trí 2 chiếc phà đưa đón miễn phí người có nhu cầu. Địa phương cũng đã bố trí lớp cho hơn 100 học sinh tiểu học và mầm non được học tại chỗ để hạn chế việc đi qua sông. Trước đây, do có cầu treo nên khi có bệnh người dân thường đến trạm y tế ở trung tâm xã để khám, điều trị nên phân trạm y tế tại ấp 4 không hoạt động. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì việc sửa chữa lại phân trạm y tế ấp 4 nhằm tạo điều kiện cho người bệnh là rất cần thiết.

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        132,697       34