Bạn đọc

Mở rộng đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Kể từ ngày 30-10, những đối tượng đang cai nghiện tại cộng đồng nếu còn sử dụng ma túy sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đồng thời đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Đặng Xuân Hòa.
Ông Đặng Xuân Hòa.

Đó là một trong những quy định tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới của nghị định, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội) Đặng Xuân Hòa cho biết:

Nghị định 136/2016 đã khắc phục được những hạn chế của quy định trước đó. Đáng chú ý, việc bổ sung thêm đối tượng đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc và một số chế độ dành cho người cai nghiện.

Những đối tượng nào thuộc diện áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nghị định 136/2016, thưa ông?

- Trước đây, Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định có 2 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cụ thể:

- Đối tượng thứ nhất là những người nghiện đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định biện pháp giáo dục tại địa phương nhưng vẫn còn nghiện. 

- Đối tượng thứ hai là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Theo quy định mới, để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải làm hồ sơ thủ tục gồm 4 loại giấy tờ: bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện; bản tường trình của người đại diện hợp pháp của đối tượng; biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính; bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Trong khi đó, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP quy định bổ sung thêm một đối tượng thuộc diện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đó là những người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy. Đơn cử, trường hợp đối tượng có nơi cư trú ổn định đang áp dụng các hình thức cai nghiện tại cộng đồng, nếu bị phát hiện tiếp tục sử dụng chất ma túy thì cơ quan chức năng có thể ra quyết định chấm dứt thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cai nghiện.

Thưa ông, việc mở rộng đối với đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc ở Đồng Nai sẽ được tiến hành như thế nào?

- Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã giải quyết cho 1.549 người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định được đưa vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh hiện có gần 4 ngàn người sử dụng ma túy thuộc đối tượng quản lý của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016 sẽ tiếp tục giải quyết cai nghiện bắt buộc đối với 2 ngàn người nữa. Để đáp ứng yêu cầu lâu dài cho công tác tiếp nhận quản lý người nghiện ma túy để đưa vào cơ sở điều trị, Sở Lao động - thương binh và xã hội đang đề xuất tỉnh cho xây dựng bổ sung 10 phòng ở cho học viên cũng ở xã Xuân Phú; xây mới cơ sở quản lý học viên cai nghiện bắt buộc với sức chứa khoảng 2 ngàn người; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh cho chủ trương thành lập trung tâm tư vấn hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; triển khai điều trị cai nghiện bằng methadone và vận động gia đình đưa người sử dụng ma túy đi cai nghiện tự nguyện nhằm giảm tải số người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Đồng Nai. Ảnh: DANH TRƯỜNG
Học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Đồng Nai. Ảnh: DANH TRƯỜNG

Theo quy định, thời gian lao động của học viên sẽ tăng thêm một giờ. Vậy thành quả lao động của học viên sẽ được tính như thế nào, thưa ông?

- Đây cũng là điểm mới so với những quy định trước đây. Việc tăng thêm giờ lao động đối với những học viên có nhu cầu sẽ giúp tạo thêm thu nhập. Giá trị lao động sẽ được tính bằng tiền và trả cho người lao động bằng hình thức gửi sổ tiết kiệm hoặc sổ lưu ký. Đến khi học viên chấp hành xong thời gian cai nghiện, toàn bộ số tiền sẽ được cộng dồn và trả lại cho mỗi người để họ có điều kiện học nghề, tìm việc làm...

Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,713       154