Bạn đọc

Giết mổ gia cầm sống tại các chợ, có đảm bảo vệ sinh?

Tâm lý người tiêu dùng thường cho rằng mua gia cầm sống và giết mổ ngay tại chỗ sẽ an tâm hơn về chất lượng. Nhưng thực tế cho thấy việc mua bán, giết mổ tại chợ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Tâm lý người tiêu dùng thường cho rằng mua gia cầm sống và giết mổ ngay tại chỗ sẽ an tâm hơn về chất lượng. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc mua bán, giết mổ tại chợ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh...

Những điểm bán gia cầm và giết mổ lấy liền tại các chợ tự phát ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu
Những điểm bán gia cầm và giết mổ lấy liền tại các chợ tự phát ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu

Điều đáng nói là tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống hiện nay khá phổ biến ở hầu hết các chợ lớn nhỏ tại TP.Biên Hòa.

* Giết mổ gia cầm tràn lan

Liên quan đến tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống, mới đây tại phiên họp lần thứ 2 của Thường trực HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý. Theo đó, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức quy hoạch các điểm bán gia cầm sống tại các chợ để phát huy hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát điều kiện về giết mổ, vệ sinh môi trường, đồng thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Từ lâu, UBND TP.Biên Hòa đã có lệnh cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại chỗ, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở hầu hết các chợ thuộc các phường: Tân Phong, Trảng Dài, Hóa An, Trung Dũng, Long  Bình... Mỗi điểm bán kể trên thường có từ vài chục đến cả trăm con gà, vịt được nhốt trong lồng, đặt trên lề đường hoặc trong lòng chợ. Đáng kể là những lồng gà, vịt này được bày chung với các gian hàng bán thực phẩm khô, rau, củ, quả nên không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Dọc đường Đồng Khởi, đoạn qua phường Trảng Dài có khoảng 5 điểm bán gia cầm sống. Tại những điểm này bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Việc giết mổ ở đây được thực hiện tại chỗ với công nghệ xử lý lông gà, vịt rất nhanh. Người bán chỉ cần nhúng gà vào thau nước sôi rồi vớt ra cho vào lồng quay, chưa tới 1 phút con gà đã trụi lông. Trong quá trình làm gà, vịt, những thứ phế thải được gom ngay tại nơi giết mổ, còn nước thải người bán vô tư đổ ra lề đường, chảy lênh láng.

Tương tự, tại các chợ, như: KP.6, phường Trung Dũng, Hóa An, hoặc khu chợ tạm phường Trảng Dài... tình trạng vệ sinh ở nơi bán, giết mổ gia cầm sống đều không được đảm bảo. Máu, phân, lông của gia cầm sau khi giết mổ thường vương vãi khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Theo những người giết mổ gia cầm sống tại chỗ, trung bình họ bán từ 10-30 con gà, vịt/ngày. Những ngày lễ, tết dù nhu cầu mua có tăng lên gấp 2-3 lần nhưng các điểm vẫn đáp ứng cho khách. Lý giải vì sao việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ, nhiều người cho rằng xuất phát từ nhu cầu của người mua. Tiểu thương chỉ cần “phục vụ” khách hàng, còn chất lượng hàng bán ra sao là chuyện khác. Điều này cũng có nghĩa, chuyện giết mổ gia cầm sống tại chỗ theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

* Bao giờ có điểm bán gia cầm sống tập trung?

Nhiều người mua cho rằng gà, vịt sống được giết mổ ngay tại chỗ vẫn an toàn hơn là mua gà, vịt đã giết mổ bày bán sẵn tại chợ. Với suy nghĩ này, bà Nguyệt Anh, ngụ tại phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) không ngần ngại chọn mua một con gà sống và yêu cầu giết mổ ngay tại chợ tự phát thuộc KP.10, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) “Phải tận mắt thấy con gà còn sống, tươi ngon tôi mới mua về ăn. Chứ mua gà mà người ta làm sẵn rồi thì không biết chất lượng ra sao, thậm chí chết lâu rồi cũng nên” - bà Anh chia sẻ. Thực tế, đây cũng là tâm lý chung của nhiều người làm bếp khi đến chợ đều muốn mua gia cầm tươi chứ không dùng thịt đã được làm sẵn. Trong khi đó, lâu nay người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, bởi trên thị trường không có nhiều điểm bán thịt gia cầm sống có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng. Do đó, muốn ăn thịt gia cầm sống chỉ có thể mua ở chợ. Hơn nữa, với không gian chật hẹp và không đủ trang thiết bị cần thiết thì việc người bán có muốn làm sạch, đảm bảo vệ sinh cũng khó, còn người mua không có nhiều sự lựa chọn, đành chấp nhận… may rủi.

Trao đổi về các điểm bán gia cầm sống đảm bảo các điều kiện an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho rằng đó là nhu cầu chính đáng. Theo ông Quang, ở Đồng Nai hiện chưa có chợ chuyên bán gia cầm sống. Để góp phần đảm bảo nguồn thịt gia cầm sạch, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nguồn hàng tại các chợ, định kỳ khử trùng tiêu độc tại các điểm bán. Tuy nhiên, đối với các quầy hàng nhỏ lẻ tại các chợ tự phát, lề đường thì rất khó kiểm soát. “Theo tôi, trước mắt cơ quan chức năng cần có giải pháp đối với việc sắp xếp các điểm bán gia cầm an toàn, riêng biệt tại các chợ để phục vụ nhu cầu của người dân. Về lâu dài, nhất thiết phải quy hoạch khu giết mổ gia cầm tập trung” - ông Quang nói.  

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,118       1,828