Những ngày gần đây, cảnh sát giao thông tại nhiều địa phương trên cả nước tiến hành kiểm tra, xử phạt người uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển xe.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa (ảnh minh họa). |
Ở Đồng Nai, đã có trường hợp bị phạt 17 triệu đồng vì lái xe ô tô sau khi uống rượu…
Với mức xử phạt khá cao được thực hiện từ ngày 1-8 theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều dân nhậu giờ không dám uống rượu bia xả láng như trước.
* Khi các bà vợ lên tiếng
Nghị định 46/CP quy định, người uống rượu bia vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4 mg/l khí thở mà điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền trên 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng; điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Với mức phạt này, ngay tại tiệc cưới, người ta cũng nhắc nhau chỉ uống một ly thôi, còn nếu muốn “dzô dzô” như trước thì chỉ còn cách đi taxi hoặc xe ôm.
Chị Ngô Kim Nhung (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi rất tán thành việc xử phạt nặng đối với những người uống rượu mà còn điều khiển xe. Tôi đã gặp nhiều trường hợp uống rượu say không làm chủ tay lái nên gây tai nạn giao thông (TNGT), hoặc tự té mang thương tật, làm khổ vợ con. Tôi cho rằng, mấy người xỉn mà còn tham gia giao thông bị xử phạt nặng là biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế TNGT. Trong gia đình, mỗi khi bạn bè rủ ông xã đi nhậu, tôi thường xuyên nhắc anh ấy đi xe ôm hay taxi cho chắc ăn. Chiếc xe máy là “chân chạy” hàng ngày, lỡ bị tước mất bằng lái, giam xe thì phương tiện đâu để đi làm”.
Theo TS. bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày Khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận từ 250-300 ca, trong số này có khoảng 30-50 ca TNGT. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, phần lớn số ca TNGT nhập viện cấp cứu có nồng độ cồn trong máu cao. Bác sĩ Vũ khuyến cáo, khi trong cơ thể đã có hơi men, dù ít thì người lái xe cũng dễ hưng phấn hay tăng tốc; trường hợp say nặng thì phản xạ thiếu chính xác nên không thể xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ xảy đến. |
Cùng quan điểm như chị Nhung, chị Nguyễn Quỳnh Phương (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tuần trước, trong đám bạn nhậu của chồng tôi có người nhậu say bị cảnh sát giao thông kiểm tra và bị xử phạt khá nặng. Ngoài việc đóng mấy triệu đồng tiền phạt còn bị tước giấy phép lái xe nhiều tháng khiến mấy ổng “ớn”. Vì thế, “tần suất” nhậu của mấy nhóm bạn chồng tôi giảm thấy rõ. Giờ mỗi khi có độ nhậu, ít người dám tự đi xe máy mà thường kêu người nhà chở đến quán, nhậu xong gọi vợ đưa về. Nhiều khi tôi bực vì mất thời gian đưa đón, nhưng thà như thế còn hơn để mấy ổng say xỉn, đi xe gây tai nạn cho mình và người khác, hoặc bị phạt coi như đi toi tháng lương”.
Một ca mổ sọ não do bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Thuận |
Chị Trần Phương Thanh (ngụ KP.2, phường Tam Hiệp) cũng rất đồng tình với việc xử phạt cao đối với những người sử dụng bia, rượu mà còn chạy xe. “Khi bị phạt tiền, tạm giữ xe và bằng lái trong nhiều ngày buộc phải chuyển sang đi xe đạp, họ mới hiểu được nỗi kinh hoàng của người dân trước những chiếc xe được điều khiển bởi người không tỉnh táo” - chị Thanh nói.
* Thay đổi nhận thức…
Thực tế, những ngày qua đi đến đâu cũng đều nghe nhiều người bàn tán mức xử phạt vi phạm về an toàn giao thông. Đáng kể là những “ma men” điều khiển xe trên đường chạy theo quán tính như… rắn bò đã giảm nhiều. Điều này cho thấy, chủ trương kiềm chế tai nạn giao thông bằng hình thức tăng mức xử phạt đã phát huy hiệu quả thấy rõ, ít nhất là trong nhận thức. Từ tính tự giác này đã làm thay đổi thói quen nhậu nhẹt không biết điểm dừng của một số người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đơn vị uống chứa 10g cồn tương đương 1 chén rượu mạnh (40độ, 30ml); hoặc 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); 1 vại bia hơi (330ml); 2/3 chai (lon) bia (330ml). Để tránh bị phạt, mỗi người chỉ nên uống từ 1-1,5 lon bia trước khi điều khiển xe tham gia giao thông. |
Nói về việc triển khai xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông theo Nghị định 46/NĐ/CP, Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt Công an tỉnh, cho biết phòng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng để triển khai xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm đối với lái xe đường dài đi qua địa bàn tỉnh, nhất là chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy.
Riêng tại TP.Biên Hòa, theo Trung tá Văn Quang Hải, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông TP.Biên Hòa, từ ngày 1-8 đến nay đội thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông; qua đó phát hiện 3.915 trường hợp vi phạm, lập biên bản 3.561 trường hợp, gửi thông báo về địa phương 232 trường hợp và phạt tại chỗ 122 trường hợp. Ngoài ra, đội đã tạm giữ 4 xe ô tô, 160 xe mô tô, 3.397 giấy chứng nhận đăng ký xe. Riêng xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã lập biên bản 48 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp lái xe ô tô bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là 17 triệu đồng và 3,5 triệu đồng đối với lái xe mô tô.
Song Liễu