Bạn đọc

Ai được quyền nuôi con khi người mẹ có biểu hiện hay quên?

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Hạnh ở tổ 11, KP.5, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh và TP.Biên Hòa để đòi quyền nuôi đứa con 7 tháng tuổi của mình.

Con chị Nguyễn Thị Hạnh đang được bà nội đã ngoài 70 tuổi nuôi dưỡng. Ảnh: P.Liễu
Con chị Nguyễn Thị Hạnh đang được bà nội đã ngoài 70 tuổi nuôi dưỡng. Ảnh: P.Liễu

Theo chị Hạnh, chồng và gia đình chồng chị không giao con cho chị nuôi vì nghĩ rằng người mẹ bị tâm thần. “Ngày 5-8 vừa qua, sau một trận cự cãi trong gia đình, tôi bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà, đồng thời cương quyết giữ cháu nội lại, không cho tôi đem con đi. Từ khi xa con, tôi rất nhớ, rất muốn được đưa cháu về nuôi” - chị Hạnh kể. 

Trong khi đó, anh Lê Ngọc Thành, chồng chị Hạnh lại khẳng định vợ mình có những biểu hiện thần kinh nên thường hay quên. Anh Thành kể, năm 2014 anh và chị Hạnh đến với nhau sau khi cả hai đều có cuộc hôn nhân đổ vỡ. Một năm sau, chị Hạnh sinh đứa con trai kháu khỉnh khiến gia đình chồng rất vui, vì với đời vợ trước anh Thành chỉ có 2 con gái. Thế nhưng, niềm vui trong gia đình qua nhanh khi những mâu thuẫn mẹ chồng - con dâu ngày càng trầm trọng. “Vợ tôi cứ nghi chồng lén đi lại với vợ cũ nên trong gia đình thường xảy ra xung đột. Khi cô ấy mang thai, mỗi lần giận chồng cô ấy lại đập đầu vào tường đòi chết, hoặc tự đấm vào bụng mình rồi nói: “Anh đánh tôi thì tôi đánh con anh”. Sau khi sinh con, tính tình Hạnh vẫn không thay đổi, mặc dù gia đình rất chiều chuộng cô ấy vì đã sinh cháu đích tôn cho dòng họ. Nhưng cô ấy hay gây sức ép với cha mẹ chồng. Ngay cả khi thuê nhà ở riêng, Hạnh thường xuyên bỏ con trong phòng một mình rồi đi chơi. Thấy thần kinh Hạnh không ổn nên gia đình không dám giao con cho cô ấy nữa” - anh Thành nói.

Cùng suy nghĩ như con trai, bà Trần Thị Hiến, mẹ chồng chị Hạnh nói trong nước mắt: “Gia đình tôi khổ với nó lắm. Có phải chúng tôi muốn chia rẽ mẹ con đâu, nhưng nó có biểu hiện tâm thần nên chúng tôi mới phải chăm sóc thằng bé. Tôi và ông nhà năm nay đều đã hơn 70 tuổi rồi, lại bệnh tật liên miên nên việc chăm sóc một đứa trẻ nào có sung sướng gì. Nếu ông bà ngoại cháu lên, tôi sẽ đồng ý giao ngay thằng bé cho phía bên ấy. Còn đưa cháu nội tôi cho con dâu nuôi, chúng tôi không yên tâm”.

Kết quả đo điện não (EEG) của Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 đối với chị Nguyễn Thị Hạnh kết luận: chưa phát hiện bất thường trên điện não. Chị Hạnh có đủ sức khỏe và khả năng để trực tiếp chăm sóc đứa con hay không cần phải tiếp tục theo dõi để có xác nhận giám định tâm thần của cơ quan chức năng.

Đề cập về tình cảnh của gia đình anh Thành - chị Hạnh, Trưởng KP.5, phường Long Bình Đoàn Văn Nhượng xác định gia đình này có nhiều mối bất hòa. “Chúng tôi đã nhiều lần đến can ngăn, hòa giải, nhưng mâu thuẫn giữa cô Hạnh và gia đình chồng không cải thiện được. Trước đó, ngày 7-6 một cuộc hòa giải đã được tổ chức tại khu phố, mọi người đồng ý với nguyện vọng của cô Hạnh là được chăm sóc con, còn anh Thành có trách nhiệm góp 5 triệu đồng mỗi tháng để nuôi con. Thế nhưng chỉ được vài ngày, anh Thành phải đưa con về vì cô này thường xuyên bỏ con ở phòng trọ rồi đi lang thang. Những lần cãi vã giữa cô Hạnh và chồng liên tục xảy ra, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu phố” - ông Nhượng cho biết.

Cùng nhận định như ông Nhượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Long Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng chị Hạnh có những vấn đề về thần kinh nên mới có những biểu hiện bất thường, nhất là hay quên. Hành vi này rất nguy hại cho bản thân chị Hạnh và cháu bé. Ngày 12-8, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Biên Hòa cùng chính quyền địa phương có đến gia đình xem xét lý tình về việc chị Hanh gửi đơn xin được quyền nuôi con. Qua đó, Hội và địa phương thống nhất giải quyết, tạm thời giao cháu bé cho ông bà nội chăm sóc.

Theo Luật sư Ngô Văn Định, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Như vậy, cháu bé mới 7 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trường hợp cụ thể của chị Hạnh bị cho là có vấn đề về thần kinh, việc này phải được trưng cầu giám định y khoa của cơ quan có thẩm quyền.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        119,023       46