Bạn đọc

Hoạt động ở các ga tàu bình ổn trở lại

Sau hơn 3 tháng phải hoạt động "căng mình" để đảm đương trách nhiệm tương đối nặng nề, đến nay các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom đã hoạt động ổn định trở lại sau khi cầu Ghềnh mới được thông tuyến…

Sau hơn 3 tháng phải hoạt động “căng mình” để đảm đương trách nhiệm tương đối nặng nề, đến nay các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom đã hoạt động ổn định trở lại sau khi cầu Ghềnh mới được thông tuyến…

Đường vào Ga Biên Hòa giờ đã thông thoáng.  Ảnh: P.Liễu
Đường vào Ga Biên Hòa giờ đã thông thoáng. Ảnh: P.Liễu

Những ngày qua, các ga kể trên đã nhanh chóng trở lại “nhịp sống” cũ. Các dịch vụ “ăn theo” nhà ga mấy tháng qua giờ cũng… hết “đất” làm ăn.

* Cuộc “diễn tập” của ý thức và trách nhiệm

Hoàn thành trách nhiệm là ga đầu và ga cuối của hành trình tàu lửa Bắc - Nam với hơn 3 ngàn lượt hành khách đến và đi mỗi ngày, giờ cầu Ghềnh đã thông, Ga Biên Hòa trở lại với những hoạt động ngày trước. Theo ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa, sự việc qua chẳng khác gì một cuộc “diễn tập”. Ông Ân cho biết, sau sự cố sập cầu Ghềnh, Ga Biên Hòa nhận trách nhiệm khá nặng nề so với công suất thường nhật. Song, ngành cũng như các cơ quan chức năng liên quan chủ động ứng phó, nên khi ga được bổ sung thêm nhân lực đã nhanh chóng làm quen với những tình huống trước đây chưa từng gặp. Hầu hết cán bộ, công nhân viên tại chỗ và bộ phận tăng cường đã rất ý thức, trách nhiệm và cố gắng nắm bắt, điều hành hoạt động vận chuyển hành khách khá nhịp nhàng. Vì thế, suốt thời gian được giao nhiệm vụ, Ga Biên Hòa đã không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Nay tuyến đã thông, hiện tại mỗi ngày đêm có khoảng 20 đôi tàu qua đây, đón và đưa trên 1.500 lượt khách/ngày.

Tương tự, Ga Hố Nai giờ đây đã không còn căng thẳng với việc bốc dỡ hàng hóa bận rộn như mấy tháng qua. Ông Trần Văn Hạnh, Trưởng ga Hố Nai, tâm sự: “Mấy tháng tập trung cho việc trung chuyển hàng hóa, Ga Hố Nai thực sự nhộn nhịp và vất vả… Song, đó cũng là giai đoạn “thử lửa” tinh thần trách nhiệm và công suất làm việc của anh em ở ga”. Được tăng cường thêm đường tàu tránh, mở rộng bãi chứa hàng, giờ đây Ga Hố Nai rộng rãi hơn, thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa. Hiện mỗi ngày có khoảng 20 đôi tàu đi qua đây, hàng hóa cần xuống Ga Hố Nai thì vẫn tiếp tục, công suất bốc dỡ hàng đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 1/3 so với 3 tháng cao điểm.

Còn ở Ga Trảng Bom, trước đây chỉ là ga xép - điểm dừng tránh tàu. Sau sự cố sập Cầu Ghềnh, ga được giao nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa đóng container. Trong thời gian đó, để thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng được nhanh chóng và thuận lợi, Ga Trảng Bom được tăng cường thêm một đường tránh tàu và mở thêm một đường nội bộ để vận chuyển, bốc dỡ hàng cho xe container ra vào, nên giao thông trong phạm vi nhà ga đã rộng rãi hơn. Một niềm vui mà ông Ngô Kim Đáng, Trưởng Ga Trảng Bom, cho rằng là cần thiết vì Ga Trảng Bom không còn là ga xép nữa mà đã được giao nhiệm vụ mới: tiếp tục bốc dỡ hàng hóa đóng container cho những khu vực lân cận. “Hiện mỗi ngày, tại ga có khoảng 30 container hàng được bốc dỡ. Thêm việc, thêm người, Ga Trảng Bom giờ không còn buồn tẻ nữa” - ông Đáng nói.

* Dịch vụ “ăn theo”… hết thời

Trong thời gian chờ thông tuyến đường tàu cầu Ghềnh, nhiều dịch vụ “ăn theo” tại các ga này đã phát sinh. Đến nay, khi các ga trở lại “nhịp sống” cũ thì dường như các dịch vụ này cũng… hết thời.

Thời gian chờ cầu Ghềnh được sửa chữa, dịch vụ bốc dỡ và vận chuyển tại các ga đã phát triển khá mạnh. Ông Đặng Văn Hữu, Trạm phó Trạm Vận tải đường sắt Biên Hòa hoạt động ở Ga Hố Nai, cho biết thời điểm đó khối lượng hàng hóa tập kết về Ga Hố Nai rất lớn. Ở đây dù có tới 3 đơn vị vận tải nhưng vẫn phải tăng cường thêm phương tiện và nhân công bốc dỡ để giải phóng nhanh nhất lượng hàng đến và đi. Giờ lượng hàng hóa không còn dồn nữa, các đơn vị cũng không phải thuê mướn nhân công và phương tiện mùa vụ.

Khách chờ lên tàu tại Ga Biên Hòa.
Khách chờ lên tàu tại Ga Biên Hòa.

Anh Nguyễn Văn Quân (ngụ  phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, làm nghề chạy xe ôm ở khu vực Ga Hố Nai) thổ lộ: “Trong 3 tháng cao điểm vừa qua, thấy mấy đơn vị cần người bốc dỡ hàng, tôi tạm nghỉ chạy xe để tham gia vào “đội quân” bốc dỡ. Lúc ấy, việc làm không hết. Mỗi ngày bốc xếp hàng cho từ 8-10 đoàn tàu, thu nhập khoảng gần 300 ngàn đồng. Giờ hết việc, tôi lại quay về nghề cũ”. Còn bà Hà Thị Loan (ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bán nước giải khát ở khu vực Ga Hố Nai cho hay khi Ga Hố Nai tập trung đông người để bốc dỡ hàng bà quay sang bán cơm hộp. Mỗi ngày bà bán được 30-40 hộp cơm. Từ khi thông cầu, hàng hóa không còn dồn về đây nhiều nữa, mỗi ngày chỉ bán được vài hộp nên lại quay về bán nước giải khát.

Riêng khu vực Ga Biên Hòa, sau 96 ngày bất đắc dĩ trở thành ga đầu và cuối tạm thời của tuyến đường sắt Bắc - Nam, khi cầu Ghềnh thông tuyến, hoạt động ở cả trong lẫn ngoài ga đều trở về với vẻ bình lặng vốn có. Nơi đây không còn cảnh lượng người tăng đột biến, những đoàn xe chở khách tăng bo nên dịch vụ taxi đưa đón khách, trước đây khá chộn rộn với hàng chục đầu xe của nhiều hãng taxi thường xuyên túc trực tại cổng ga, giờ cũng chỉ còn lác đác vài chiếc đậu chờ. Dịch vụ giữ xe qua đêm ở khu vực Ga Biên Hòa chỉ còn ít người gửi; hàng cơm, quán nước cũng không còn nhộn nhịp khiến mấy bà hàng bánh, hàng quà ngồi… “ngáp dài” vì vắng khách.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,190       1,608