Bạn đọc

Đời sống ở rừng...

50 hộ dân tại tổ 11, 12 thuộc ấp 5, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đang trông chờ vào chính sách di dời của Nhà nước để sớm được tái định cư, ổn định cuộc sống.

Nhà tạm của một hộ dân trong rừng thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.
Nhà tạm của một hộ dân trong rừng thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.

Đây là những hộ hiện đang sống trên đất rừng thuộc Trạm Kiểm lâm Rang Rang (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) quản lý. Khu vực này là vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước.

* Khó khăn trăm bề

Chủ trương di dời những hộ dân ra khỏi rừng của UBND tỉnh có từ năm 2005, nhưng hơn 10 năm qua các hộ dân ở khu vực này hàng ngày trông chờ, mong sớm có cuộc sống mới để thoát khỏi những khó khăn giữa bao la là rừng. Đời sống của người dân nơi đây thiếu thốn đủ thứ, như: không điện, không nước sạch sử dụng, không việc làm ổn định, con cái đi học xa xôi; mọi nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày đều phải đi xa cả chục cây số mới mua được.

Ông Tăng Ưng Nhỏ (ngụ tổ 12, ấp 5, xã Mã Đà) cho biết gia đình ông từ quê Tiền Giang lên đây lập nghiệp từ năm 1986. Lúc đó ông Nhỏ làm công nhân thuộc Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) thì công việc ổn định. Hơn 10 năm nay, do có chủ trương di dời dân khỏi rừng nên ông Nhỏ không đầu tư vào đất sản xuất mà chỉ đi làm thuê tận Bình Phước, thu nhập bấp bênh. “Cả gia đình hiện chỉ trông chờ vào 3 sào điều và tiền làm thuê của tôi. Những năm gần đây, người dân không dám sửa chữa nhà, đầu tư chăn nuôi sản xuất vì sợ Nhà nước di dời, giải tỏa thì sẽ lãng phí tiền của. Chúng tôi mong sớm được tái định cư đến để ổn định cuộc sống” - ông Nhỏ chia sẻ.

Phó chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Cửu Mai Văn Trên cho biết nhằm ổn định đời sống người dân, huyện đã lập dự án ổn định dân cư cho 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm để tham mưu tỉnh trình Chính phủ xin kinh phí thực hiện. Đối với 50 hộ dân thuộc tổ 11 và 12, ấp 5, xã Mã Đà, huyện đang lập lại dự án riêng cho những hộ này để trình UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí thực hiện di dời.

Dự kiến, mỗi hộ dân khi rời khỏi rừng sẽ được hỗ trợ 1 nền nhà và khoảng 3 ngàn m2 đất sản xuất để ổn định cuộc sống.

Cùng tâm trạng như ông Nhỏ, nhiều hộ gia đình khác cũng đang trông chờ sớm được di dời đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn. Ông Phùng Xuân Lượng, Tổ trưởng tổ 11, ấp 5, xã Mã Đà, bộc bạch hầu hết các hộ dân trong tổ đều mong thoát cảnh vùng rừng thì mới có thể đổi đời. Hơn nữa, nhiều hộ dân không có đất sản xuất, hàng ngày phải đi làm thuê ở xa. Ngay cả việc học của trẻ em cũng không đơn giản khi mỗi buổi phải đi học cách nhà hàng chục cây số nên cần người đưa đón. “Mùa nắng thì đường bụi, còn mùa mưa thì trơn trượt nên các cháu đi học là phải có ngươi lớn đưa đi mới đảm bảo an toàn. Nghỉ hè nhà nào cũng phải sắp xếp người lớn ở nhà để trông trẻ vì không có nơi nào để vui chơi sinh hoạt hay học thêm” - ông Lượng cho biết.

* Mong sớm được di dời…

Sớm di dời người dân ra khỏi rừng không chỉ là mong mỏi của các hộ gia đình ở ấp 5, xã Mã Đà mà đơn vị quản lý khu vực này cũng nôn nóng không kém.

Bến đò, con đường chính nối Đồng Nai - Bình Phước, khá phức tạp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Bến đò, con đường chính nối Đồng Nai - Bình Phước, khá phức tạp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Ông Thái Ngô Đức, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Rang Rang, cho biết do còn người dân sinh sống trong rừng nên công tác bảo vệ rừng phức tạp hơn. Để tạo điều kiện cho người dân mưu sinh, trạm phải để thông con  đường qua Bình Phước. Phần lớn người dân ở đây hàng ngày sang tỉnh bạn làm thuê nên con đường độc đạo này không thể đóng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với kẻ xấu lợi dụng đường người dân đi lại để vào săn bắn thú hoặc phá rừng. “Các ngành chức năng nên sớm có kế hoạch để đưa dân ra khỏi rừng. Bởi chủ trương di dời đã có từ lâu, nếu kéo dài việc triển khai thực hiện thì cuộc sống của 50 hộ dân sẽ tiếp tục vất vả, cơ cực hơn. Ngoài việc ổn định đời sống mới cho dân, còn tránh được tình trạng xâm hại rừng trái phép, cũng như bảo đảm hơn cho công tác phòng cháy, chữa cháy vào mùa khô. Trong khi đó, lực lượng nhân viên bảo vệ rừng đang rất hạn chế về quân số” - ông Đức nhấn mạnh.

Mùa hè, trẻ em trong rừng không có nơi vui chơi.
Mùa hè, trẻ em trong rừng không có nơi vui chơi.

Trao đổi về vấn đề liên quan đến kế hoạch đưa các hộ dân đang sống trong rừng đi về nơi ở mới, Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà Nguyễn Trung Năng cho biết xã đã kiểm kê các hộ dân khu vực tổ 11-12, ấp 5 để trình UBND huyện có hướng đề xuất tỉnh có hướng chỉ đạo cụ thể. Đây là nỗi lòng của người dân, đồng thời phù hợp với việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,199       2,106