Bạn đọc

Học thêm có thực sự là nhu cầu?

Dạy thêm, học thêm lâu nay vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là TP.Biên Hòa, kể cả trong dịp hè…

Dạy thêm, học thêm lâu nay vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là TP.Biên Hòa, kể cả trong dịp hè…

Một lớp học hè ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa.  Ảnh: P.Liễu
Một lớp học hè ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu

Đây có phải thực sự là nhu cầu không, hay các bậc cha mẹ sợ con mình kém hơn bạn, còn các thầy cô giáo thì cố gắng dạy thêm để tăng thu nhập?

* Nhu cầu hay phong trào?

Đang trong mùa hè, nhưng nhiều lớp dạy thêm ở TP.Biên Hòa ở mọi cấp học vẫn rất đông; nhiều học sinh miệt mài học thêm từ sáng sớm đến tối khuya.

Em Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên, cho biết chọn thi đại học khối B nên ngoài buổi sáng học ở trường, chiều từ 13-17 giờ em đi học môn Toán và Sinh; từ 18-21 giờ học Hóa và Anh văn. Tối về ăn cơm xong em làm bài tập đến tận 23 giờ mới đi ngủ. Một tháng, cha mẹ Hương chi khoảng 1,5 triệu đồng tiền học thêm cho con.

Trong lần trò chuyện về vấn đề học thêm với cô Nguyễn Thị Kim Hồng, giáo viên dạy Văn khối 6 của một trường THCS ở Biên Hòa, cô chia sẻ: “Tôi vẫn nói với học sinh, đừng thấy bạn bè học thêm mình cũng làm theo. Nếu các em tự học được ở nhà, tự làm chủ được kiến thức của mình thì không cần phải đi học thêm. Vì học thêm, giáo viên cũng chỉ giúp các em củng cố những kiến thức đã học trên lớp”.

Được hỏi lịch học hàng ngày kín thế thì chất lượng các môn học ra sao, có tốt hơn không, Phương cho biết: “Thực ra, kiến thức từ những buổi học thêm không nhiều, chủ yếu thầy cô cho làm các dạng đề thi để rèn luyện. Có lẽ học căng quá nên đôi lúc em rất mệt, đầu óc chẳng thu nạp được gì nhiều. Nhưng không học thêm thì bản thân em cũng không yên tâm vì tất cả các bạn cũng đều học căng như vậy”.

Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay còn có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đa số phụ huynh lại cho rằng đó là nhu cầu bởi không học thêm thì con họ sẽ chậm tiến hơn so với bạn bè. Chị Nguyễn Thị Phương (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Con tôi học lớp 6. Học kỳ I cháu không học thêm nên môn Lý chỉ đạt 6,4 điểm. Sang học kỳ II, tôi cho cháu đi học thêm, được cô giáo kèm 2 tháng, cháu thi đạt 9,8 điểm. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ cho cháu học thêm môn còn yếu thôi”. Một số phụ huynh khác thì khẳng định, khi học thêm, học sinh có nhiều thời gian để rèn luyện môn học vì thời gian trên lớp không đủ để học sinh hiểu cặn kẽ bài vở. Có người lại xem học thêm là hình thức để con em họ tận dụng thời gian rỗi một cách hiệu quả. Không ít phụ huynh vì quá bận rộn nên cho con đi học thêm là cách để tránh xa những trò chơi có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống.

* Chất lượng dạy thêm, học thêm còn bỏ ngỏ

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, qua những lần khảo sát, tìm hiểu nhu cầu dạy thêm của giáo viên, phần lớn ý kiến cho rằng do đồng lương hạn hẹp nên giáo viên phải dạy thêm để trang trải cuộc sống; số khác lại nói chương trình học, đặc biệt là tiểu học quá nặng, lớp học quá đông, thời gian trên lớp không đủ để chuyển tải hết được bài vở cần có cho học sinh nên dạy thêm là cách để giáo viên giúp các em củng cố kiến thức.

Thời gian tới,  Sở GD-ĐT sẽ lập đoàn đi kiểm tra để có những chấn chỉnh kịp thời. Nội dung kiểm tra chú trọng vào việc đánh giá chất lượng và mức độ dạy tại các điểm dạy tự phát; chấn chỉnh tình trạng giáo viên bắt ép học sinh, gây áp lực về điểm số để buộc học sinh đi học thêm; kiểm tra việc có hay không tình trạng cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; dạy trước những nội dung bài học, bài kiểm tra trong chương trình chính khóa.

Tuy nhiên theo ông Thạch, giáo viên nói lương không đủ sống phải dạy thêm là ngụy biện. Bởi có nhiều giáo viên không tổ chức dạy thêm nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn.

Riêng chương trình học đúng là có nặng, nhưng nếu giáo viên nhiệt tình, tâm huyết thì sẽ có phương pháp phù hợp để chuyển tải bài học tại lớp cho các em nhận thức đầy đủ. Chưa kể việc dạy thêm, học thêm kéo dài sẽ khiến giáo viên và học sinh “đuối” cả về sức khỏe lẫn tư duy; nếu dạy thêm, học thêm quá nhiều sẽ làm mất đi sự sáng tạo của cả thầy và trò.

Hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường là không thể cấm. Bởi chính Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT và Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai đều cho phép các trường và giáo viên được dạy thêm, song kèm theo những quy định khá cụ thể về giấy phép, thời gian dạy, cơ sở vật chất và học phí. Cũng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, hiện trên địa bàn có nhiều cơ sở dạy thêm chưa đủ điều kiện vẫn hoạt động tự phát, không thực hiện đúng mục đích hoạt động của việc dạy thêm, học thêm phải là góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        119,391       48