Bạn đọc

Tình nguyện vì cộng đồng

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thời gian qua có những người đã không quản ngại vất vả để tình nguyện đến với những người bệnh và người nghèo nhằm chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn…

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thời gian qua có những người đã không quản ngại vất vả để tình nguyện đến với những người bệnh và người nghèo nhằm chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn…

Hơn 10 năm nay, quán cơm xã hội trên đường Hoàng Văn Bổn, thuộc KP.8, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) luôn nhộn nhịp vào mỗi buổi trưa. Đây là điểm ăn trưa giá rẻ của những người lao động thu nhập thấp. Thái độ ân cần, niềm nở của 4 vị nữ chủ quán đã tạo cho quán cơm đầy ắp tiếng nói, cười vui vẻ.

* Bữa ăn cho người nghèo

Ông Trần Văn Anh, 52 tuổi, ngụ phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), là khách thường xuyên của quán cơm từ thiện, nhận định: “Chúng tôi là người lao động tự do, thu nhập không đáng kể. Nhờ có quán cơm này mà chi tiêu hàng ngày của những người nghèo như tôi tằn tiện được chút đỉnh. Mỗi bữa cơm tôi chỉ trả nhiều nhất 15 ngàn đồng nhưng có đồ ăn mặn như thịt, trứng hoặc cá và chén canh. Cũng với khẩu phần ăn đó nếu tôi đi quán khác phải trả gấp đôi, gấp ba”.

Chỉ từ 8-15 ngàn đồng, người lao động thu nhập thấp có một bữa ăn ngon tại quán cơm từ thiện (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Quân
Chỉ từ 8-15 ngàn đồng, người lao động thu nhập thấp có một bữa ăn ngon tại quán cơm từ thiện (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Quân

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, một trong 4 người tổ chức bữa ăn từ thiện, cho biết quán chỉ bán vào buổi trưa. Mỗi ngày trung bình có khoảng 200 khách đến ăn cơm. Mỗi suất cơm chỉ từ 8-15 ngàn đồng nhưng đủ làm ngon miệng thực khách. “Quán đã hoạt động hàng chục năm rồi nên lượng khách ổn định. Mặt bằng là của nhà nên không phải đi thuê. Dù bán cơm giá rẻ nhưng chúng tôi vẫn chọn các loại thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh để nấu phục vụ khách. Tiền thu từ khách chỉ để duy trì hoạt động của quán. Thực tế, nhiều lúc thu không đủ chi nên có tháng chúng tôi nhận thêm hỗ trợ từ linh mục chánh xứ Giáo xứ Hà Nội Trần Xuân Thảo mới đủ để quán duy trì hoạt động” - bà Tuyến chia sẻ.

Cũng ngần ấy năm, 4 phụ nữ này ngày ngày phải lo việc nhà, vừa phục vụ quán cơm xã hội. Thế nhưng không ai cảm thấy phiền muộn, mà đối với họ đó còn là niềm vui. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, người chịu trách nhiệm nấu ăn, bộc bạch: “Đất nước mình trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, hòa bình đã hơn 40 năm quê hương thay đổi nhiều nhưng vẫn còn khá nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cần giúp đỡ. Chính vì vậy, quán cơm chúng tôi rất ít khi đóng cửa, vì sợ khách không có chỗ ăn no mà rẻ. Công việc này đã gắn bó, trở thành niềm vui của chị em chúng tôi nên chẳng ai muốn bỏ”.

* Sống là cho đi…

Đến từ 2 quốc gia khác nhau, nhưng tình nguyện viên Akiko Saito, 30 tuổi (người Nhật Bản) và Elanie Marks, 31 tuổi (người Úc), lại có chung tâm nguyện và mục đích làm tình nguyện phục vụ sức khỏe cộng đồng. Cả 2 hiện đang làm tại Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với công việc hỗ trợ phục hồi vận động cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não.

Akiko Saito (bên trái) và Elanie Marks (bên phải) theo dõi, đánh giá khả năng tập vận động của một bệnh nhân bị liệt sau tai biến mạch máu não.  Ảnh: P.Liễu
Akiko Saito (bên trái) và Elanie Marks (bên phải) theo dõi, đánh giá khả năng tập vận động của một bệnh nhân bị liệt sau tai biến mạch máu não. Ảnh: P.Liễu

Mỗi ngày của Akiko và Elanie tưởng như rất đơn giản khi cùng các kỹ thuật viên của khoa ngồi quan sát bệnh nhân thực hiện các kỹ năng cầm, nắm, xúc, gắp với các loại ly chén, đũa, muỗng, hột hạt nhỏ... Song, đó là lúc các cô hướng dẫn cho nhân viên y tế đánh giá khả năng vận động và mức độ khiếm khuyết của bệnh nhân, từ đó chọn ra cách điều trị hiệu quả nhất.

Nhận định về nơi đang làm việc, Elanie Marks nói: “Việt Nam trải qua những thời kỳ chiến tranh khốc liệt kéo dài nên chịu nhiều hậu quả bởi thương tật, di chứng chất độc da cam. Hơn 40 năm qua, Việt Nam đã cơ bản khắc phục vết thương chiến tranh để xây dựng và phát triển đất nước, tạo điều kiện để phần lớn người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh gặp khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây chính là nỗi trăn trở mà những người làm từ thiện luôn khắc ghi để chia sẻ với nỗi bất hạnh, thiệt thòi mà họ gánh chịu. Đáng kể là tình hình lưu thông ở Việt Nam khá phức tạp vì phần lớn người dân đi lại bằng xe gắn máy 2 bánh nhưng ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều. Chính vì thế, tôi tình nguyện đến Việt Nam theo chương trình thiện nguyện của Chính phủ Úc nhằm giúp những người khuyết tật sớm tái hòa nhập cộng đồng”.

Akiko chia sẻ, trước đây việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân chủ yếu là tập vật lý trị liệu. Người bệnh bị khiếm khuyết chức năng vận động nào thì cố gắng lấy lại chức năng đó. Ngày nay, y học quan tâm đến hoạt động trị liệu hơn là vật lý trị liệu, nghĩa là dùng phương pháp đánh giá khả năng khiếm khuyết, điều trị đúng phương pháp sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Theo Akiko, một bệnh nhân sau tai biến bị liệt nửa bên phải, tay phải không còn khả năng cầm nắm, tay trái sẽ yếu theo. Công việc của các cô là hướng dẫn kỹ thuật viên xác định khả năng phục hồi của mỗi bàn tay, chọn lựa nên cố gắng lấy lại chức năng của tay phải hay tập trung phục hồi tốt tay trái để bệnh nhân có thể sử dụng cả 2 tay thuần thục như trước.

Khách hàng ăn uống vui vẻ tại quán cơm xã hội trên đường Hoàng Văn Bổn, KP.8, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa).
Khách hàng ăn uống vui vẻ tại quán cơm xã hội trên đường Hoàng Văn Bổn, KP.8, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa).

Một năm rưỡi với Akiko và 4 tháng với Elanie trong vai trò chuyển giao phương pháp đánh giá, kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng cho nhân viên của Khoa Phục hồi chức năng tại bệnh viện, cũng là thời gian mà 2 tình nguyện viên này có dịp tiếp cận và hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Theo Elanie, cô biết đến Việt Nam qua phim ảnh, sách báo và thông tin trên mạng. Akiko cũng như Elanie thấy vui khi bệnh nhân của mình tiến triển tốt lên mỗi ngày. Điều đó, đã khiến những tình nguyện viên này thêm gắn bó công việc đang làm cho người khuyết tật tại Đồng Nai.

Tình nguyện phục vụ cộng đồng là việc không hề dễ dàng, mà đòi hỏi niềm đam mê, sự nhiệt huyết, đôi khi cả hy sinh để đem lại lợi ích cho những người không may bị rủi ro. Xa gia đình, khác biệt trong văn hóa, sinh hoạt, nhất là bất đồng về ngôn ngữ đã khiến cho việc làm và sinh hoạt của các tình nguyện viên nước ngoài gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo Akiko và Elanie đến nay thì mảnh đất và con người Việt Nam đã “giữ chân” các cô lại.

Ngọc Liên - Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,235       2,111