Bạn đọc

Rao bán thông tin cá nhân trên mạng: Có vi phạm pháp luật?

Thông tin cá nhân gồm: tên, số điện thoại, địa chỉ email, số chứng minh nhân dân… của nhiều người gần đây bị một số đối tượng tận dụng như một loại hàng hóa và rao bán tràn lan trên mạng internet. Việc này đã gây ra nhiều phiền toái cho những người có tên nằm trong danh sách đó…

Thông tin cá nhân gồm: tên, số điện thoại, địa chỉ email, số chứng minh nhân dân… của nhiều người gần đây bị một số đối tượng tận dụng như một loại hàng hóa và rao bán tràn lan trên mạng internet. Việc này đã gây ra nhiều phiền toái cho những người có tên nằm trong danh sách  đó…

Những thông tin cá nhân bị rao bán trên mạng internet.
Những thông tin cá nhân bị rao bán trên mạng internet.

Chỉ cần vào google gõ danh sách khách hàng “database 2016”, “khách hàng VIP”, “khách hàng tiềm năng” là người có nhu cầu sẽ được cung cấp một loạt trang web giới thiệu bán thông tin cá nhân.

* Mua bán đời tư người khác

Hầu hết người bán đều cam kết danh sách có đầy đủ các thông tin, như: tên, tuổi, email, điện thoại, địa chỉ... Vì vậy, việc mua bán này được thực hiện trên web và thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Giá bán mỗi tập dữ liệu thông tin từ 300 ngàn đồng đến 6 triệu đồng/tập tùy vào số lượng thông tin.
Gần đây, trang “danhsachkhachhang.biz” quảng cáo: “Mình hiện đang sở hữu toàn bộ danh sách khách hàng sử dụng mạng Mobiphone và Vinaphone trên cả nước. Rất tốt để SMS marketing… Tin nhắn đến tận tay người dùng, cơ hội quảng bá sản phẩm của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ: Bạn đang bán đất nền ở Đồng Nai, vậy gửi SMS đến cho toàn bộ dân số Đồng Nai hoặc khách hàng quận 1, 2, 9… tỷ lệ bán được rất cao, đầu tư 1 lần, sinh lợi mãi mãi”. Ngoài khách hàng của mạng viễn thông, trang này còn rao bán danh sách các khách hàng của ngân hàng, khách hàng bất động sản, phụ huynh học sinh. Ngoài ra, một số trang web tặng không thông tin cá nhân của người khác cho khách hàng để làm quà khuyến mãi cho người mua hàng. Nhiều trang web còn rao bán các thông tin “nhạy cảm” của các cá nhân về mức thu nhập, số tài khoản.

Có thể nói, việc thông tin cá nhân bị mua bán, trao đổi một cách công khai trên mạng đã gây phiền phức cho nhiều người. Hầu hết người bị “quấy rối” đều không biết những riêng biệt của mình bị phát tán từ đâu, và làm sao ngăn chặn nên đành chịu trận.

* Phiền toái cho nạn nhân

Kể về việc cá nhân bị quấy rối, chị Trần Thị Loan, nhà ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), bức xúc: “Hôm sinh nhật của tôi vào đầu tháng 4 vừa rồi, bất ngờ tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ chúc mừng và hỏi thăm rất ân cần về công việc, gia đình. Người này biết rõ các thông tin về bản thân và gia đình tôi. Tiếp chuyện được một lúc, tôi mới vỡ lẽ chẳng hề quen biết gì với người bên kia máy. Sau đó, cứ vài hôm người sử dụng số điện thoại trên lại gọi cho tôi, chào mời mua bảo hiểm, thậm chí còn đến văn phòng nơi tôi làm việc để tiếp thị. Đến khi tôi từ chối thẳng và yêu cầu đừng làm phiền thì người này mới không liên lạc nữa, nhưng điện thoại của tôi thì thường xuyên nhận các tin nhắn tiếp thị bất kể giờ giấc”.

Ngày 18-3-2016, Bộ Thông tin - truyền thông ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT về việc tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu thông sim di động trái quy định. Theo đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị trực thuộc và sở thông tin - truyền thông địa phương tăng cường phối hợp với ngành công an để kiểm tra xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đối với nhà mạng phải phổ biến và giám sát đại lý bán sim, điểm đăng ký thông tin thuê bao nghiêm túc chấp hành quy định bảo mật thông tin cá nhân của người dùng dịch vụ viễn thông; không mua bán, lưu thông sim đã kích hoạt sẵn...

Tương tự, ngày nào chị Trần Thị Hoàng Yến, nhà ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cũng nhận được tin nhắn mời đi dự các hội thảo giới thiệu về những chương trình du học. Có hôm khi đang bán hàng, chị Yến nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ xưng là nhân viên tư vấn, chuyên làm hồ sơ đi du học cho sinh viên đại học. “Chị ta biết rõ tôi đang làm nghề gì, có con gái đang học ngành nào, trường nào, qua đó giới thiệu hàng loạt dịch vụ đưa học sinh du học tự túc, mặc dù trước đó tôi chưa một lần liên hệ với họ” - chị Yến kể.

Từ số điện thoại do chị Yến cung cấp, chúng tôi liên hệ thì phía bên kia giới thiệu tên Linh, làm nhân viên tư vấn của công ty tư vấn du học tại TP.Hồ Chí Minh. Theo người này, hiện có rất nhiều nguồn để thu thập thông tin, có thể mua lại danh sách từ những người chuyên thu thập dữ liệu để tiếp thị sản phẩm. Khi chúng tôi đề cập đến việc trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật, Linh trả lời tỉnh queo: “Cả “chợ” thông tin được mua bán tràn lan trên mạng, ai muốn mua gì cũng có hết. Nói vi phạm pháp luật nhưng có thấy ai bị xử lý đâu?”.

 
Theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm, Điều 22 Luật Công nghệ thông tin quy định các tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc được sự đồng ý của người đó. Về xử lý hành vi vi phạm, tại Điều 5 Nghị định 19 của Chính phủ nêu rõ, việc sử dụng thông tin mà không được người tiêu dùng đồng ý, hoặc tự ý chuyển giao thông tin của người đó cho bên thứ ba sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Kim Liễu
 



 

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        158,965       207