Bạn đọc

Tang thương vụ 3 học sinh chết đuối

Sáng 31-3, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) vẫn đi học bình thường; buổi chiều không có lịch học nên lớp được nghỉ. Khoảng 14 giờ cùng ngày, một nhóm học sinh rủ nhau vào Suối Cả (thuộc ấp 2, xã Xuân Đường, cách trường khoảng 5km) chơi thì bất ngờ xảy ra tai nạn khiến 3 em bị sẩy chân xuống dòng nước xiết và tử vong do đuối nước.

Dù đang vào mùa khô, mức nước xuống sâu, nhưng dòng nước tại khu vực Suối Cả vẫn chảy khá mạnh. Phía cuối con suối có ao nước đọng lại với độ sâu khoảng 2m, bờ đá xung quanh lởm chởm nên rất nguy hiểm.

* 3 cái chết thương tâm

Trong lúc đùa giỡn, em Lê Thị Kim Thoa bất ngờ bị trượt chân ngã xuống suối và chới với giữa dòng nước. Thấy vậy, 2 em Nguyễn Hoàng Phi Hùng và Đỗ Văn Huy nhảy xuống cứu bạn, nhưng cả hai cũng bị đuối sức và chìm theo dòng nước cùng với Thoa.

Ông Đỗ Văn Thông (thứ hai từ trái qua), cha em Đỗ Văn Huy, nghẹn ngào khi giáo viên chủ nhiệm lớp 7/2 đến thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình.
Ông Đỗ Văn Thông (thứ hai từ trái qua), cha em Đỗ Văn Huy, nghẹn ngào khi giáo viên chủ nhiệm lớp 7/2 đến thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình.

Sau khi thấy bạn chìm dần, những học sinh còn lại trong nhóm hốt hoảng chạy về hô hoán người dân đến cứu giúp. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn, do khoảng cách quá xa, đường đi lại nhiều đoạn khó khăn nên lúc người lớn đến nơi, đưa được các em đuối nước lên bờ thì cả 3 đã tử vong.

Theo người dân làm rẫy quanh khu vực này, hầu như chiều nào cũng có học sinh đến đây chơi đùa. Nơi đây, dù thường xuyên có người ghé thăm, nhưng không hề có biển cảnh báo nguy hiểm hay cấm tụ tập tắm suối. Khi thấy có học sinh đến đây, bà con làm rẫy đã ra sức can ngăn và cảnh báo, nhưng các em vì ham vui vẫn bất chấp tắm suối nên xảy ra sự việc đau lòng.

Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Đường cho biết sau vụ tai nạn thương tâm này, nhà trường sẽ cho học sinh viết cam kết không được tụ tập ở những khu vực gần sông, ao hồ nguy hiểm; đồng thời tích cực tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước vào những sáng thứ hai và sinh hoạt lớp cuối tuần.

Một ngày sau vụ tai nạn, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi thương tâm của 3 đứa trẻ. Không khí đau buồn bao trùm lên xóm nhỏ nơi gia đình em Đỗ Văn Huy (ngụ ấp 1) sinh sống.

Huy là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, chi tiêu của cả nhà đều dựa vào số tiền ít ỏi mà ông Đỗ Văn Thông (cha Huy) kiếm được từ nghề thợ hồ. Sức học của Huy yếu, nhưng nhờ sự động viên từ bạn bè và gia đình em vẫn cố gắng đến lớp đều đặn.

“Lúc nghe tin dữ, tôi đang đi làm cách nhà khá xa. Trên đường về mà chân tay rụng rời, không thể đứng vững. Mẹ cháu do thương con và quá xúc động đã không thể gượng dậy được. Cháu út mới 4 tháng tuổi đói sữa cũng khóc suốt… ” - ông Thông nghẹn ngào rơi nước mắt.

Từ khi con gặp nạn, đôi mắt ông Lê Văn Đan (cha em Lê Thị Kim Thoa, ngụ ấp 2) lúc nào cũng thẫn thờ hướng về tấm di ảnh để trên bàn thờ. Trong tiếng nấc nghẹn của người cha mất con, ông nói giọng thều thào: “Nhà nghèo, tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi là con cái, giờ mất một đứa… Ngày cháu mất, gia đình không tin nổi vì cháu có biết bơi đâu mà dám đi tắm suối. Ai ngờ một đứa trượt chân rồi 2 đứa vì cứu bạn cũng bị kéo xuống, xót xa quá…”.

* Lớp học vắng 3 chỗ ngồi

Chiều 4-1, học sinh lớp 7/2 vẫn đến lớp sinh hoạt bình thường. Nhưng với những học sinh đã tận mắt chứng kiến vụ tai nạn trước đó, ai cũng tỏ ra ray rứt và cảm thấy có lỗi khi không cứu được bạn. Nhóm học sinh trong lớp đi chơi chung hôm ấy vẫn chưa thể định thần lại sau những gì xảy ra. Nhiều em tinh thần hoảng loạn, lúc nào cũng trong tâm thế lo sợ và ám ảnh bởi câu chuyện buồn.

“Lớp học có 33 em, giờ chỉ còn 30, bàn học bỏ trống đến 3 chỗ ngồi. Không có nỗi buồn nào hơn thế, không khí buổi học thật nặng nề. Tôi rất buồn và thương gia đình các em, thương cho lớp, thương cho trường” - giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Minh Nhân nói như khóc khi chứng kiến không khí lớp học không còn sôi động như những ngày trước.

Chiều 1-4, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đã đến chia buồn cùng gia đình 3 em: Đỗ Văn Huy, Nguyễn Hoàng Phi Hùng và Lê Thị Kim Thoa. Chị Nguyễn Thanh Hiền đã trao suất hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình em Đỗ Văn Huy - gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 2 trường hợp còn lại mỗi gia đình được hỗ trợ 500 ngàn đồng.

Nga Sơn

Theo thầy Nhân, nhiều em đã bật khóc bởi sự trống trải của lớp học. Dù sức học của 3 em yếu, nhưng đều là những học trò ngoan hiền, dễ thương và hòa đồng. Ngay cả những giáo viên bộ môn nhìn cảnh lớp học giảm sĩ số cũng thấy trống vắng đến nặng nề.

Cùng lúc mất đến 3 học sinh, đám tang lại tổ chức cùng ngày nên sau buổi học, lớp 7/2 phải “chia” lực lượng đến viếng và đưa tang. “Hai năm liên tục là giáo viên chủ nhiệm lớp nên tôi hiểu rõ tính tình, hoàn cảnh của mỗi em. Cả 3 em là bạn thân, thường quấn quýt với nhau, ai ngờ các em đã bỏ lớp, bỏ trường mà đi...” - giọng thầy Nhân run run.

Một lần nữa, tình trạng đuối nước đối với học sinh trở thành vấn đề cấp thiết của gia đình và nhà trường. Điều đáng nói, khu vực xảy ra tai nạn thường có học sinh lui tới tắm suối, vui chơi; nếu trước đó nhà trường và chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn kịp thời và tuyên truyền râu sộng thì có lẽ không có vụ việc đau lòng như thế xảy ra.

Thanh Hải - Hữu Thắng

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,248       1,312