Xã hội

Gia tăng số trẻ nhập viện do bị đuối nước

Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang điều trị tích cực cho 2 trẻ nhi nhập viện do bị đuối nước.

Bé T.K. (3 tuổi, nhà ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Bé T.K. (3 tuổi, nhà ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Trước đó vào lúc 17 giờ ngày 28-4, bé T.K. (3 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu do bị đuối nước. Sau khi thực hiện sơ cấp cứu ban đầu ổn định đường hô hấp, bệnh nhân  được chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, bác sĩ ghi nhận tình trạng trẻ bị tím tái môi, mắt lơ mơ. Bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu tích cực như đặt máy trợ tim, máy nâng huyết áp kết hợp cho dùng máy thông đường thở. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tình trạng của bé không có tiến triển tốt, nguyên nhân là trước đó thời gian bé bị đuối nước khá lâu, thiếu oxy nên làm tổn thương não, gan, thận không thể hồi phục.

Cùng ngày, bé A.K. (12 tháng tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, khả năng hồi phục kém, hiện bé cũng đang được hỗ trợ máy thở. Theo tiên lượng của bác sĩ, nguy cơ tử vong của 2 bé này rất cao.

Theo bác sĩ Trần Lê Duy Cường, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện nhi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca cấp cứu đối với bệnh nhi bị đuối nước. Đa số đều phát hiện muộn nên nguy cơ trẻ bị tử vong rất cao. Thông thường, khi trẻ bị đuối nước từ khoảng 5 phút trở đi rất khó hồi phục bởi chỉ cần thiếu oxy khoảng 3 phút não đã không còn hoạt động.

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, nhất là khi mùa hè sắp đến phụ huynh cần lưu ý: đối với trẻ dưới 5 tuổi, nhất là các trẻ đang tập đi, lúc nào cũng phải có người nhà ở bên cạnh trông chừng bởi trẻ rất hiếu động và chưa nhận thức được những mối nguy hiểm xung quanh. Những nhà có ao,  hồ thì nên rào chắn cẩn thận, hạn chế hoặc đậy các vật dụng có chứa nước ở trong nhà như: lu, vại, chum… Cho trẻ tham gia các khóa bơi do nhà trường tổ chức để rèn luyện kỹ năng bơi cho trẻ. Phụ huynh nên có kiến thức kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu về đuối nước.

Cũng theo bác sĩ Cường, khi người nhà phát hiện trẻ bị đuối nước thì ngay lập tức phải thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu như: bế trẻ lên vai theo hướng đầu quay xuống đất, sau đó xốc trẻ để nước từ trong cơ thể chảy ra, kiểm tra xem tim trẻ còn đập không, trẻ còn thở không. Nếu trẻ bị ngưng tim, ngưng thở thì phải cấp cứu bằng cách ép tim, thổi ngạt, đồng thời nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.          

Hoàn Lê

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,201,689       1,227