Xã hội

Phong trào kế hoạch nhỏ cần thực chất

Ra đời từ năm 1958, phong trào kế hoạch nhỏ đã làm phong phú thêm các hoạt động của Đội, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đội viên, thiếu nhi; giáo dục các em ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động…

Ra đời từ năm 1958, phong trào kế hoạch nhỏ đã làm phong phú thêm các hoạt động của Đội, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đội viên, thiếu nhi; giáo dục các em ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động…

Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tổ chức hội thu phong trào kế hoạch nhỏ. Ảnh: n.sơn
Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tổ chức hội thu phong trào kế hoạch nhỏ. Ảnh: n.sơn

60 năm trôi qua, từ phong trào này nhiều công trình măng non ý nghĩa đã được xây dựng góp phần vào sự phát triển của xã hội, phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện của các thế hệ đội viên, thiếu nhi.

* Những công trình ý nghĩa

Một trong những công trình măng non ý nghĩa của Đồng Nai phải kể đến là Vườn tượng danh nhân văn hóa được đặt tại khuôn viên của Văn miếu Trấn Biên. Vườn tượng danh nhân văn hóa được xây dựng từ năm 2014 và khánh thành vào tháng 9-2015, trong đó nguồn đóng góp từ phong trào kế hoạch nhỏ là 3,2 tỷ đồng; trong năm 2018 sẽ tiếp tục đóng góp 800 triệu đồng để hoàn thành vườn tượng.

Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hồ Hồng Nguyên cho biết Hội đồng Đội tỉnh cũng nhận thấy những bất cập trong quá trình triển khai phong trào kế hoạch nhỏ. Sắp tới, nhân kỷ niệm 60 năm phong trào kế hoạch nhỏ, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tổ chức hội nghị, tọa đàm để bàn và đề ra các giải pháp đổi mới phong trào, để phong trào ngày càng thực chất và không trở thành áp lực đối với học sinh, phụ huynh và các liên đội.

Ngoài nguồn kinh phí vận động từ các doanh nghiệp, cá nhân, Vườn tượng danh nhân văn hóa còn có sự góp sức của đội viên, thiếu nhi thông qua việc đóng góp giấy vụn cho phong trào kế hoạch nhỏ.

Từ khi khánh thành, công trình vườn tượng phục vụ cho khách tham quan khi đến với Văn miếu Trấn Biên, đồng thời trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với học sinh; khuyến khích các em tìm hiểu về các vị danh nhân văn hóa mà trường mình vinh dự mang tên…

Từ những ký giấy vụn, vỏ chai, phong trào kế hoạch nhỏ còn tạo kinh phí xây dựng thư viện sách, trao tặng nhà bán trú dân nuôi cho học sinh vùng cao tỉnh Điện Biên, xây nhà khăn quàng đỏ cho gia đình thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…

Riêng Biên Hòa còn xây dựng được những công trình măng non cấp thành phố như: xây dựng tượng đài anh Kim Đồng, trang bị tủ sách măng non, trống Đội, máy vi tính, đồ nghi lễ Đội cho các liên đội…

Thầy giáo Phan Quốc Thái, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Tam Phước 1 (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), chia sẻ từ khi được trang bị máy vi tính từ nguồn phong trào kế hoạch nhỏ, mọi văn bản, giấy tờ liên quan đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi được xử lý nhanh hơn, đồng thời anh có điều kiện tìm hiểu thêm thông tin, những mô hình hoạt động Đội hiệu quả của các đơn vị bạn.

* Đã đến lúc phải đổi mới

60 năm ra đời, có thể nói phong trào kế hoạch nhỏ đã góp phần gieo thói quen tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, tình yêu lao động cho các thế hệ đội viên, thiếu nhi và đặc biệt là từ nguồn kinh phí của phong trào đã xây dựng nên những công trình măng non có giá trị. Tuy nhiên, những năm gần đây cách thức triển khai phong trào này đang tồn tại những bất cập làm xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên duy trì phong trào kế hoạch nhỏ.

Với kinh nghiệm 32 năm làm giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy giáo Phan Quốc Thái cho biết trước đây học sinh tự mình nhặt giấy vụn, chai nhựa bỏ đi gom góp làm kế hoạch nhỏ, không đòi hỏi số lượng. Những năm gần đây, nhất là từ khi có danh hiệu dũng sĩ kế hoạch nhỏ, phần lớn học sinh không còn giữ được thói quen tự lao động, nhặt phế liệu để tiết kiệm, còn phụ huynh muốn con em mình có thành tích nên tích cực tham gia gom giấy vụn, vỏ lon bia.

Anh T.H. (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) kể 2 đứa con của anh đang học tiểu học tại TP.Biên Hòa sau khi đem giấy vụn đi nộp kế hoạch nhỏ đã tỏ ra ganh tị khi một số bạn được cha mẹ cho tiền lên nộp nhờ nhà trường mua giúp giấy để đạt danh hiệu dũng sĩ kế hoạch nhỏ. “Mục đích, ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ rất hay trong việc giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi sinh. Nhưng cách làm hiện nay chưa ổn” - anh H. bày tỏ.

Thực tế, học sinh hiện nay không có thời gian tự gom giấy vụn mà chủ yếu là do cha mẹ làm. Thậm chí có phụ huynh còn bỏ tiền ra mua với số lượng lớn giấy vụn, vỏ lon bia để đóng góp giúp con đạt dũng sĩ kế hoạch nhỏ cấp tỉnh, cấp thành phố. Thầy cô giáo vào mùa hội thu kế hoạch nhỏ thêm vất vả. Các lớp chạy đua với nhau vì thành tích đóng góp kế hoạch nhỏ… Do đó, đã đến lúc cần đổi mới hoạt động phong trào này để thực sự đem lại ý nghĩa, tác dụng giáo dục đối với học sinh.

Một trong những giải pháp nhằm đổi mới phong trào kế hoạch nhỏ là phân học sinh thành những nhóm nhỏ để các em cùng nhau lập kế hoạch đi thu gom giấy, vỏ chai tùy theo năng lực chứ không ép chỉ tiêu. Bên cạnh đó, các trường, hội đồng Đội các cấp cần coi trọng công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh hiểu được ý nghĩa, mục đích của phong trào và nhất là phải công khai, minh bạch nguồn kinh phí cho học sinh và phụ huynh cùng biết.

Nga Sơn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,203,275       807