Xã hội

Một số bệnh dịch đang có xu hướng gia tăng

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bên cạnh các bệnh về hô hấp, tiêu hóa còn có một số bệnh dịch khác cũng có xu hướng gia tăng như: sốt rét, quai bị, thủy đậu…

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bên cạnh các bệnh về hô hấp, tiêu hóa còn có một số bệnh dịch khác cũng có xu hướng gia tăng như: sốt rét, quai bị, thủy đậu…

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một ca thủy đậu. Ảnh: A.Thư
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một ca thủy đậu. Ảnh: A.Thư

Theo khuyến cáo của Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, bệnh sốt rét đang có xu hướng gia tăng từ cuối năm 2017 và các tháng đầu năm 2018. Một số nguyên nhân chính là thời điểm này nhiều người đi rừng trở về nhà ăn tết thì phát hiện bệnh, đồng thời do thời tiết thay đổi dẫn đến tình hình biến động côn trùng mạnh trong cả khu vực trong đó có Đồng Nai khiến muỗi gây bệnh sốt rét anopheles sinh trưởng nhiều hơn.

* Còn lơ là với bệnh sốt rét

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có 20 ca sốt rét, tăng 20 lần so với cùng kỳ năm 2017. Mới đây, đã phát hiện một trường hợp bị sốt rét nghi có kháng thuốc đầu tiên ở Đồng Nai (trước đây sốt rét kháng thuốc chỉ có ở tỉnh Bình Phước). Bệnh nhân là một cán bộ kiểm lâm ở huyện Vĩnh Cửu đã được điều trị sốt rét 7 ngày, hết sốt xong lại sốt trở lại, phải điều trị phác đồ kháng thuốc mới phục hồi sức khỏe. Bệnh nhân đã được lấy máu để gửi lên Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh làm các xét nghiệm về kháng thuốc.

 Triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa bệnh sốt rét

Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế số ca mắc bệnh sốt rét, như: tuyên truyền phòng chống sốt rét ở khu vực lưu hành dịch bệnh; tẩm hóa chất chống muỗi miễn phí cho toàn bộ dân ở vùng có sốt rét lưu hành; phát thuốc bôi chống muỗi cho những người đi rừng; tập huấn công tác xét nghiệm xác định bệnh sốt rét cho các trạm y tế xã…

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết hiện nay người dân còn rất lơ là với bệnh sốt rét. Khi bị sốt nhiều người tự đi mua thuốc uống, đến khi bệnh nặng mới tới bệnh viện khám, lúc này bệnh có thể trở thành sốt rét ác tính có biến chứng làm tổn thương đa cơ quan như: suy gan, thận, vỡ hồng cầu trong máu, mất não, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện toàn tỉnh còn 20 xã thuộc vùng lưu hành sốt rét trên địa bàn các huyện, như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán. Hiện chỉ còn 3 xã: Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm ở huyện Vĩnh Cửu có mức độ vừa; 17 xã còn lại ở mức độ nhẹ.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, mật độ muỗi anopheles ở một số vùng lưu hành bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều. Nguy cơ sốt rét vẫn còn, do đó người dân ở trong vùng lưu hành bệnh sốt rét, nhất là những người đi rừng không nên chủ quan. Nếu có biểu hiện đột ngột rét run, sốt cao, vã mồ hôi… cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm máu và điều trị bệnh kịp thời.

* Thủy đậu, quai bị đang tăng

Ở một số bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh thủy đậu và quai bị cũng đang có xu hướng gia tăng cả ở người lớn và trẻ em. Số ca nhập viện nội trú ngày càng nhiều hơn. Cụ thể ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay Khoa Nhiễm đã tăng thêm 3 phòng cách ly để điều trị 2 bệnh quai bị, thủy đậu hạn chế lây lan sang các bệnh nhân khác trong khoa; trung bình mỗi ngày đều có 1-2 ca nhập viện mới. Riêng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ tháng 3-2018 đến nay bệnh thủy đậu đã có gần 300 ca khám ngoại trú và 11 ca điều trị nội trú, tăng hơn 15% so với cùng kỳ.

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết đa số các bệnh nhân bị thủy đậu, quai bị nhập viện điều trị đều ở giai đoạn trễ. Một số tự đi mua thuốc uống, tự xức thuốc, đắp lá cây... đến khi mụn rộp nổi khắp người, bị bội nhiễm (đối với bệnh thủy đậu) hay bị viêm tinh hoàn (đối với nam bị bệnh quai bị) mới đi bệnh viện. Trong khi hiện nay bệnh thủy đậu đã có thuốc đặc trị, nếu điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sẽ cho kết quả rất tốt, hạn chế nổi mụn nước, tránh được tình trạng bội nhiễm gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh quai bị cũng cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm là viêm tinh hoàn ở nam và viêm buồng trứng ở nữ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đối với nam, tình trạng viêm tinh hoàn được thể hiện rõ qua biểu hiện sưng đau ở tinh hoàn nhưng với nữ biểu hiện không rõ ràng nên nhiều người chủ quan. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nếu mắc phải căn bệnh thủy đậu hay quai bị rất nguy hiểm có thể dẫn đến tình trạng suy bào thai, sảy thai, sinh non… Do đó cần chú ý phòng ngừa bệnh bằng cách: chủ động tiêm ngừa, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tiếp xúc với nguồn lây… Khi bị bệnh phải đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, hạn chế xảy ra các biến chứng nặng nề.

Anh Thư

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,342,107       238