Xã hội

Khai thác thị trường lao động nước ngoài

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 2 ngàn lượt người đi xuất khẩu lao động sang các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 2 ngàn lượt người đi xuất khẩu lao động sang các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ ba từ phải qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (thứ hai từ phải qua) và các sở, ngành tham quan cơ sở đào tạo ngành điều dưỡng theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa, thuộc Công ty cổ phần Anh Vinh).
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ ba từ phải qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (thứ hai từ phải qua), cùng các sở, ngành tham quan cơ sở đào tạo ngành điều dưỡng theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa, thuộc Tập đoàn Anh Vinh).

Kết quả này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng về nguồn lao động của tỉnh. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần có sự quan tâm đúng mức để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường lao động nước ngoài.

* Người dân còn e dè

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, thống kê về thu nhập của lao động xuất khẩu cho thấy người làm việc ở Hàn Quốc có mức lương cơ bản từ 21-25 triệu đồng/tháng, ở Nhật Bản có từ 25-30 triệu đồng/tháng. Các thị trường khác như: Trung Quốc, Malaysia có mức lương thấp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo UBND tỉnh thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo (gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, các ngành, địa phương liên quan) để chuẩn bị những điều kiện cần thiết đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động. Sau đó, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân trong tỉnh được biết về những cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này cho người dân được biết và tham gia. Giao Sở Tài chính nghiên cứu để đưa ra những đề xuất liên quan đến cơ chế đặc thù hỗ trợ vốn cho những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Song song đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ người Việt Nam trong tỉnh hiện đang làm việc ở nước ngoài, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Giải thích nguyên nhân người dân trong tỉnh chưa mấy mặn mà với xuất khẩu lao động, lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng vì Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, người dân dễ dàng kiếm được việc làm, ổn định đời sống tại địa phương.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là Tập đoàn Anh Vinh (TP.Biên Hòa) xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng sang Nhật Bản.

Người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài phải tự đi tìm các doanh nghiệp có chức năng ở tỉnh khác hoặc thông qua các đơn vị, doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện được Sở Lao động - thương binh và xã hội cho phép giới thiệu, tuyển chọn lao động xuất khẩu để đăng ký.

Khi đăng ký được, người lao động phải mất từ 4-12 tháng để học ngoại ngữ, cộng với yêu cầu gắt gao về sức khỏe nên khiến nhiều người còn e ngại.

Trong khi đó, theo Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội  chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường, để có thể đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần phải có một khoản tiền để trang trải các chi phí ban đầu. 

Nghị định 61 và 63 của Chính phủ quy định những đối tượng được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, hộ dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất nông nghiệp theo quyết định của Nhà nước, người bị thu hồi đất ở theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền. 

Trong khi những đối tượng thuộc diện được vay vốn để xuất khẩu lao động theo nghị định của Chính phủ lại không có nhu cầu vay vốn xuất khẩu lao động. Ngược lại, những đối tượng không thuộc diện được vay lại có nhu cầu.

* Cần mở rộng đối tượng, có cơ chế đặc thù

Với mong muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, vài năm trở lại đây nhiều trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã có nhiều chương trình ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài trong việc đào tạo sinh viên. Để vươn xa ra quốc tế, một số trường đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo để sinh viên sau khi ra trường có đủ trình độ đi làm việc ở nước ngoài.

Thị trường lao động mà Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (thuộc Bộ Xây dựng, đóng tại huyện Long Thành) đang khai thác là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Sinh viên đưa đi xuất khẩu có 2 dạng: một là được đào tạo ngắn hạn khoảng 6 tháng; hai là đào tạo dài hạn trong vòng 3 năm với các nghề hàn, cắt gọt kim loại.

Sau khi công ty kiểm tra trình độ, sinh viên được trường đưa đi học tiếng nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh trong vòng 6 tháng và hoàn tất thủ tục xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi năm có khoảng 40-50 sinh viên được đưa đi xuất khẩu lao động theo diện hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Mức lương của người lao động dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng tùy năng lực và thù lao làm thêm.

Muốn đẩy nhanh vấn đề xuất khẩu lao động, lãnh đạo một số trường nghề trong tỉnh cho rằng tỉnh nên có cơ chế chính sách đặt hàng các trường có thế mạnh để đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trong tỉnh. Đồng thời, mở rộng đối tượng được ưu đãi kinh phí, vay vốn, không chỉ bó hẹp là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số.

“Vấn đề xuất khẩu lao động không chỉ vì mục đích trước mắt là thu nhập mà cần hướng tới mục đích lâu dài. Khi sinh viên có tay nghề vững, sang nước ngoài làm việc trong môi trường công nghiệp tốt, sau 3 năm, các em có một khoản thu nhập tương đối lớn. Về nước, các em sẽ là những chuyên gia trong lĩnh vực nghề, giúp cho chất lượng nguồn nhân lực của Đồng Nai ngày càng nâng lên” - ông Lê Quang Trung, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, nhấn mạnh.

Để thu hút đông đảo người dân quan tâm, mạnh dạn đi làm việc ở nước ngoài, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị tỉnh cần ban hành cơ chế đặc thù về đối tượng, về vốn để chuyển vốn ủy thác sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay các đối tượng như: bộ đội xuất ngũ, thanh niên nông thôn, đối tượng thuộc diện thu hồi đất ở Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, cùng địa phương phát triển chương trình xuất khẩu lao động. Tại Đồng Nai, chúng tôi hiện có 163/171 điểm giao dịch xã, phường. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân được biết quy trình, thủ tục vay vốn đi xuất khẩu lao động”- ông Nguyễn Sỹ Cường cho biết.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,341,799       445