Xã hội

Gia tăng trẻ nhập viện mùa nắng nóng

Sau Tết Nguyên đán, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số trẻ nhập viện tăng cao. Trong đó, đa số các bệnh nhi nhập viện do bị tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa…

Sau Tết Nguyên đán, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai số trẻ nhập viện liên quan đến bệnh tiêu hóa và hô hấp tăng cao.

Trẻ nhỏ bị bệnh tiêu chảy cấp đang được truyền dịch tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: A.Thư
Trẻ nhỏ bị bệnh tiêu chảy cấp đang được truyền dịch tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: A.Thư

Khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang chật kín bệnh nhi điều trị. Đa số các bệnh nhi nhập viện do bị tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa… Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân mới, trong đó có khoảng 20 ca là tiêu chảy cấp, phần nhiều là trẻ dưới 2 tuổi bị mất nước nặng phải truyền dịch liên tục.

* Bệnh tiêu hóa, hô hấp tăng cao

Bé T.T. (3 tháng tuổi, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) bị tiêu chảy liên tục suốt 3 ngày, có ngày bé đi trên 20 lần, ói liên tục nên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh phải chuyển đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để điều trị.

Tại đây, bé T. được xác định bị tiêu chảy cấp, mất nhiều nước, phải truyền dịch để bù nước, bù chất điện giải. Do bé còn quá nhỏ mà phải truyền nước liên tục, thời gian truyền 1 chai nước biển hay dịch truyền khác khá lâu, từ 10-17 giờ nên mẹ bé rất vất vả để giữ cố định tay bé cho không bị lệch kim truyền.

Rửa tay bằng xà phòng sẽ ngừa được nhiều bệnh

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực- chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết một trong những phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh hô hấp và tiêu hóa, chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người coi trẻ trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh. Đồng thời phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi cho trẻ để tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ. Riêng đối với bệnh lý viêm phổi khi ho hắt hơi có thể lây bệnh, nên tránh cho trẻ tiếp xúc gần nguồn lây bệnh khoảng 1,5m. Khi ra ngoài trời nên cho bé đeo khẩu trang để tránh nhiễm khuẩn.

Bên cạnh những ca tiêu chảy cấp, các ca bệnh do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cũng nhập viện khá phổ biến. Như trường hợp em H.N., học sinh ở một trường THCS trên địa bàn huyện Trảng Bom, sau khi ăn sáng ở căng tin trường với món cơm thịt chiên trứng thì bị đau bụng, ói ra máu. Sau khi về nhà, em vẫn liên tục ói ra máu nên được nhập Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai điều trị vì bị viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa.

Từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh hô hấp ở trẻ vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nếu như thời điểm trước tết trẻ bị bệnh hô hấp nhập viện nhiều do thời tiết chuyển lạnh thì vào những ngày này trẻ nhập viện chủ yếu do trời nắng nóng, trẻ ra vào phòng máy lạnh đột ngột cũng gây ra các bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Trung bình Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai điều trị cho 50-60 bệnh nhân/ngày; mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cũng tiếp nhận 2-3 ca viêm phổi nặng phải thở máy và điều trị tích cực.

* Chú ý phòng bệnh

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, trong thời điểm bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng như hiện nay, các bệnh tiêu hóa, hô hấp sẽ tiếp tục gia tăng nếu không chú trọng công tác phòng bệnh tốt.

Bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời tiết nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng gây bệnh tiêu hóa phát triển nhanh, thức ăn dễ ôi thiu. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nguyên nhân tiêu chảy cấp thường do thói quen mút tay, ngậm đồ chơi hoặc thay đổi chế độ từ sữa sang ăn dặm. Đối với trẻ trong độ tuổi đi học thường bị tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường ruột do thức ăn nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện của bệnh tiêu hóa, phụ huynh chú ý khi trẻ đi phân lỏng 3 lần/ngày kèm sốt, ói nhiều cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh xảy ra tình trạng trẻ bị mất nước nặng, rối loạn điện giải dẫn đến các biến chứng như: sốc, giảm kali gây mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, giảm mạch, co giật, hôn mê. Phụ huynh không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ sử dụng vì khi bị tiêu chảy có kèm sốt mới được dùng kháng sinh.

“Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể khiến tình trạng bệnh tiêu chảy cấp nặng hơn vì ở một số thuốc kháng sinh có tác dụng phụ là gây tiêu chảy” - bác sĩ Chánh khuyến cáo.

Để phòng ngừa các bệnh về hô hấp, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện cũng lưu ý khi trẻ ho, sổ mũi có thể sốt hay không sốt nhưng khi em bé được theo dõi 1-2 ngày ở nhà, nhưng nếu bé không cải thiện mà ho nhiều hơn thì phải chú ý ngay đến viêm phổi. Phụ huynh cần kéo áo lên xem bé thở như thế nào. Nếu bé thở nhanh, thở lõm ngực, thở không đều nên cho bé nhập viện ngay, tránh diễn tiến bệnh nặng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, nhất là đối với trẻ sơ sinh, bị kèm các dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng…

Anh Thư

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,349,965       266