Bộ GD-ĐT chủ trương siết chặt tuyển sinh với nhóm ngành sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên. Chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau...
Bộ GD-ĐT chủ trương siết chặt tuyển sinh với nhóm ngành sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên.
Giáo viên Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) trong giờ dạy nghi thức Đội cho học sinh. Ảnh: C.NGHĨA |
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2018 được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, học sinh có học lực giỏi mới được xét tuyển vào trường đại học sư phạm, còn học lực khá chỉ được xét tuyển vào các trường cao đẳng sư phạm. Chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
* Học lực giỏi ít chọn sư phạm
Những mùa tuyển sinh trước đây, việc xét tuyển vào các trường sư phạm không gặp phải bất cứ rào cản nào về học lực, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đã có cơ hội xét tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sư phạm cũng khá thấp, thậm chí một số ngành sư phạm hệ đại học điểm chuẩn bằng với điểm sàn, tức khoảng 14-15 điểm (tùy theo khối thi). Còn với hệ cao đẳng sư phạm thì 9-10 điểm trở lên là có thể trúng tuyển.
Nhưng từ mùa tuyển sinh năm nay, có thể sự dễ dãi này sẽ không còn. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh, học sinh có học lực trung bình sẽ không thể xét tuyển vào ngành sư phạm. Ngành sư phạm là ngành duy nhất áp dụng điều kiện điểm đầu vào trong mùa tuyển sinh năm 2018, trong khi các ngành khác sẽ không còn áp dụng quy định điểm sàn mà giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm là rất cần thiết và cấp bách, nhưng muốn có chất lượng tốt thì việc tuyển chọn đầu vào ngành sư phạm không thể xem nhẹ. Bên cạnh điều kiện tuyển chọn đầu vào thì cần có chính sách đãi ngộ đào tạo ngắn với giải quyết việc làm và chế độ thu nhập đảm bảo. Khi đào tạo nhiều, việc làm ít, thu nhập chưa đảm bảo thì học sinh không muốn chọn ngành sư phạm. |
Việc sàng lọc đối tượng tuyển sinh vào ngành sư phạm là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm tương lai. Tuy nhiên hiệu trưởng nhiều trường THPT trong tỉnh không quá bận tâm đến quy định này.
Thầy Đậu Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), cho biết: “Tỷ lệ học sinh lớp 12 hàng năm có học lực khá, giỏi của nhà trường rất cao, tuy nhiên số học sinh xét tuyển vào các trường sư phạm vài năm trở lại đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do đó dự thảo tuyển sinh quy định xét tuyển vào các trường sư phạm nếu được thực hiện sẽ không ảnh hưởng gì tới quyền lợi xét tuyển của học sinh nhà trường”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Thanh Hà cho rằng: “Học sinh có học lực khá, giỏi của trường có xu hướng chọn các trường đại học tốp trên thuộc các ngành y dược, kinh tế, kỹ thuật… Các trường sư phạm hiện đã “lọt” xuống tốp dưới do ngành sư phạm hiện không còn dễ tìm kiếm việc làm và thu nhập không bằng nhiều ngành khách. Vì vậy quy định học lực để được xét tuyển vào ngành sư phạm có lẽ chỉ ảnh hưởng đến những thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm nhưng học lực không đủ điều kiện”.
* Có nâng được chất lượng đầu vào?
Theo một số trường THPT, tỷ lệ học sinh lớp 12 có học lực khá, giỏi trở lên thường dao động khoảng 50%, trong đó học sinh có học lực giỏi khoảng 9-10%. Một số trường THPT tốp trên như THPT chuyên Lương Thế Vinh, Ngô Quyền, Trấn Biên có tỷ lệ cao hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế, học sinh lớp 12 thường không ưu tiên chọn ngành sư phạm khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Do đó các trường sư phạm sẽ gặp khó khăn nhiều hơn về nguồn tuyển nếu áp dụng quy định học lực.
Thầy Hoàng Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), nhận định nhiều năm về trước ngành sư phạm là ngành “hot” nhưng vài năm trở lại đây ngành sư phạm đã mất dần ưu thế, nhiều sinh viên học xong không có việc làm, thu nhập thấp.
Tuy nhiên thầy Bắc cho rằng việc siết chặt quy định xét tuyển vào ngành sư phạm là rất cần thiết, vì cần chọn những “hạt giống tốt” ngay từ đầu thì mới đào tạo ra những giáo viên giỏi được. Thầy Bắc chia sẻ thêm: “Bên cạnh đưa ra các điều kiện cao xét tuyển vào sư phạm thì Bộ GD-ĐT cần sớm có chính sách nâng cao thu nhập cho giáo viên mới thu hút được học sinh khá giỏi vào ngành sư phạm như mong muốn”.
Năm 2017 Trường đại học Đồng Nai, trường duy nhất của tỉnh đào tạo ngành sư phạm hệ chính quy, tuyển sinh 1 ngàn chỉ tiêu sư phạm ở 2 hệ đại học và cao đẳng. Trong số đó có 600 chỉ tiêu sư phạm hệ đại học và 400 chỉ tiêu sư phạm hệ cao đẳng. Điều đáng chú ý, trong số 7 ngành sư phạm hệ cao đẳng thì có 2 ngành “trắng” thí sinh đăng ký xét tuyển là cao đẳng sư phạm âm nhạc và cao đẳng giáo dục thể chất. Điểm chuẩn cao nhất hệ đại học là 20,75 điểm, thấp nhất là 15,5 điểm, trong khi đó điểm chuẩn hệ cao đẳng cao nhất là 17,5 điểm và thấp nhất là 8 điểm/3 môn.
TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho hay phần lớn các sinh viên trúng tuyển vào trường năm 2017 và những năm về trước có học lực khá trở lên. Việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định điều kiện được xét tuyển riêng với ngành sư phạm sẽ ảnh hưởng nhất định tới việc tuyển sinh của trường, nhất là ở một số ngành ít thí sinh chọn.
Ông Hùng cũng cho rằng: “Việc đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm là quan trọng, tuy nhiên phải thực chất lâu dài vì nếu các trường THPT không đánh giá lực học thực chất của học sinh thì việc áp dụng điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm sẽ không còn nhiều ý nghĩa”.
Công Nghĩa